Báo Đồng Nai điện tử
En

Hoàn thiện cơ chế, chính sách để giảm nghèo bền vững

07:06, 07/06/2014

Tiếp tục kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, ngày 7-6, các đại biểu đã nghe Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội trình bày Báo cáo về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012..

Tiếp tục kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, ngày 7-6, các đại biểu đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012.

* Kết quả khả quan

Trình bày báo cáo trước Quốc hội, bà Trương Thị Mai cho rằng, trong giai đoạn 2005 – 2012, tỷ lệ giảm nghèo cả nước đều đạt và vượt chỉ tiêu, với mức bình quân mỗi năm giảm từ 2,3 - 2,5%.

Chu Nhiem UBCVDXHQH Truong Thi Mai - Tbay bc ket qua thuc hien chinh sach, phap luat ve giam ngheo 2005-2012
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012

Về quy mô, kết quả giảm nghèo diễn ra ở tất cả các vùng, miền, thành thị và nông thôn trong các nhóm đối tượng. Năm 2005, có 6 vùng có tỷ lệ nghèo ở mức trên 20%, năm 2010 còn 4 vùng, năm 2011 còn 2 vùng và năm 2012 chỉ còn miền núi Tây Bắc có tỉ lệ hộ nghèo trên 20% (28,55%).

Theo bà Trương Thị Mai, kết quả giảm nghèo giai đoạn 2005 - 2012 là nền tảng quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo giai đoạn sau này. Đó là kết quả tác động toàn diện của quá trình tăng trưởng kinh tế, các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách trực tiếp đối với mục tiêu giảm nghèo.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác giảm nghèo vẫn còn những khó khăn, thách thức như: mức sống của hộ nghèo và hộ cận nghèo chưa có sự khác biệt đáng kể nên nguy cơ tái nghèo cao; chênh lệch giàu - nghèo có xu hướng gia tăng; tỉ lệ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn cao; công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như nguồn lực đối với chính sách giảm nghèo còn hạn chế...

* Bám quy hoạch để nâng cao hiệu quả giảm nghèo

Buổi sáng cùng ngày, các đại biểu đã tiến hành thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012

[links(left)]Đại biểu Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) cho rằng, chương trình giảm nghèo phải đảm bảo tính toàn diện và tính hệ thống trong chương trình mục tiêu quốc gia, phải đảm bảo lồng ghép có hiệu quả chương trình dự án và nguồn lực trên từng địa bàn. Việc giảm nghèo bền vững cần tập trung đầu tư cho chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển sản xuất, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về giảm nghèo, hỗ trợ người nghèo về văn hóa thông tin, phát triển mạng lưới an sinh xã hội.

Qua trao đổi, đại biểu Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai) cho rằng, công tác giảm nghèo của chúng ta còn có những mặt tồn tại hạn chế nhất định, đó là do hệ thống chính sách giảm nghèo còn chồng chéo, manh mún. Ông đề nghị lưu ý đến nguyên nhân trong điều hành, quản lý việc lập, thực hiện hệ thống quy hoạch sản xuất, quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch bảo vệ môi trường, quy hoạch cơ sở đào tạo nghề từ Bộ, ngành liên quan của Chính phủ. Bởi, thời gian qua, đây là vấn đề chưa được coi trọng đúng mức, làm cản trở đối với các ngành, các cấp xác định trọng điểm đầu tư thông qua kế hoạch đầu tư trung hạn và phân kỳ đầu tư hàng năm cho sản xuất, cho hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nghèo chưa căn cơ, thậm chí làm phân tán nguồn lực .

* Làm rõ trách nhiệm từng Bộ, ngành liên quan

Đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cho rằng, công tác quản lý nhà nước, sự phối hợp trách nhiệm giữa các bộ, ngành trong thực hiện chính sách giảm nghèo còn phân tán, thiếu liên kết, chưa lồng ghép được chính sách.

Theo quan điểm của đại biểu Trương Văn Vở, thì vai trò đầu mối, cơ chế trách nhiệm phối hợp (từng bộ ngành, từng địa phương) trong thực hiện chính sách giảm nghèo chưa rõ nét, kể cả tiêu chí đánh giá, rà soát hộ nghèo chưa cụ thể, chưa phù hợp; công tác thanh, kiểm tra, giám sát để kịp thời chấn chỉnh vướng mắc trong thực tiễn chưa được tiến hành thường xuyên. Chưa thấy báo cáo của Chính phủ và báo cáo giám sát đánh giá rõ việc thanh, kiểm tra, giám sát và chưa xác định rõ trách nhiệm thuộc về ai.

Các đại biểu cho rằng, để nâng cao hiệu quả trong công tác giảm nghèo, cần xác định rõ trách nhiệm bộ ngành liên quan, kịp thời hướng dẫn thực hiện Nghị định 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp, nông thôn; Quyết định 62/2013/QĐ-TTg về khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng, nhằm thúc đẩy liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp và người sản xuất. Đây cũng là nền tảng thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững.

Đức Nhuận (Từ Hà Nội)

Tin xem nhiều