Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng

07:06, 13/06/2014

(ĐN)- Tại phiên chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ vào chiều 12-6, nhiều đại biểu Quốc hội đặt vấn đề về trách nhiệm của những người đứng đầu các cơ quan và công tác phòng, chống tham nhũng trong cơ quan chống tham nhũng.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trả lời chất vấn tại kỳ họp
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trả lời chất vấn tại kỳ họp

(ĐN)- Tại phiên chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ vào chiều 12-6, nhiều đại biểu Quốc hội đặt vấn đề về trách nhiệm của những người đứng đầu các cơ quan và công tác phòng, chống tham nhũng trong cơ quan chống tham nhũng.

* Kê khai tài sản để chống tham nhũng

Trong phần chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, đại biểu Nguyễn Văn Rinh (tỉnh Hải Dương) hỏi, trong nhiều giải pháp phòng, chống tham nhũng của ngành thanh tra, thì kết quả của việc kê khai tài sản như thế nào?

Trả lời vấn đề này, Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc kê khai tài sản thu nhập được thực hiện từ năm 2008. Hàng năm, việc kê khai tài sản đều thực hiện liên tục, kể cả kê khai lần đầu và kê khai bổ sung cho những người có phát sinh, biến động về tài sản.

Theo ông Huỳnh Phong Tranh, sau khi Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2012 có hiệu lực, việc kê khai tài sản có tiến bộ hơn. Thống kê đến đầu năm 2013 cho thấy, đã có hơn 640 ngàn đối tượng được kê khai tài sản, đạt hơn 98%. Qua quá trình kê khai tài sản đã phát hiện khoảng 3 ngàn người có dấu hiệu thiếu trung thực, trong đó đã xử lý 88 cán bộ kê khai không trung thực, vi phạm các quy định về kê khai tài sản. Ông Huỳnh Phong Tranh chop biết, việc kê khai tài sản có tác dụng công khai tài sản thu nhập của cán bộ, công chức, để làm căn cứ trong quá trình xác minh tính trung thực của cán bộ.

* Đấu tranh phòng chống tham nhũng mạnh mẽ hơn

Cũng xoay quanh vấn đề chống tham nhũng nhưng các đại biểu Nguyễn Văn Hiến (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và Nguyễn Bá Thuyền (tỉnh Lâm Đồng) lại đặt câu hỏi: Tại sao ngành thanh tra đã có nhiều nỗ lực trong công tác thanh tra và phát hiện tham nhũng, nhưng tình trạng tham nhũng vẫn gia tăng? Các vụ việc bị phát hiện nhiều nhưng chuyển cho điều tra, xử lý hình sự lại rất ít.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với các đại biểu Quốc hội trong giờ giải lao
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với các đại biểu Quốc hội trong giờ giải lao

Trả lời nội dung chất vấn này, Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, trong thời gian qua, tham nhũng vẫn còn xảy ra ở nhiều cấp ngành, gây bức xúc trong xã hội. Để đẩy lùi được tình trạng này, các ngành chức năng cần phải tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ hơn.

Ông Huỳnh Phong Tranh cũng thừa nhận, mặc dù đã có sự gắn kết giữa thanh tra và cơ quan điều tra, nhưng các vụ việc được chuyển cho điều tra chưa nhiều. Theo đó, trong 3 năm gần đây, thanh tra mới chỉ chuyển điều tra 200 vụ với 240 đối tượng. “Kết quả này chưa xứng đáng với yêu cầu mong muốn của ngành thanh tra” - ông Tranh cho biết.

[links(left)]Đối với việc xử lý tiêu cực trong ngành thanh tra, ông Huỳnh Phong Tranh cho biết, từ năm 2011 đến 2013 toàn ngành đã có 85 cán bộ bị xử lý trong tổng số hơn 28 ngàn người. Trong đó, xử lý hành chính 71 người, hình sự 14 người (11 người có dấu hiệu tham nhũng). Theo ông Huỳnh Phong Tranh, mặc dù số vụ việc bị xử lý chưa nhiều, nhưng đã cho thấy sự kiên quyết của ngành thanh tra trong vấn đề này. Trong thời gian tới, ngành thanh tra sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức cho cán bộ để thực hiện công việc một cách khách quan, công tâm và hạn chế tiêu cực.

Trả lời ý kiến của một số đại biểu về các giải pháp trong công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian tới, ông Huỳnh Phong Tranh cho biết, Thanh tra chính phủ đã đề ra bốn giải pháp để phòng và chống tham nhũng gồm: công khai tài sản trong các cơ quan, đơn vị; xây dựng, thực hiện chế độ định mức tiêu chuẩn; thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc nghề nghiệp và cải cách hành chính.

Bên cạnh đó,  Thanh tra Chính phủ còn đề xuất Chính phủ và Quốc hội nên nghiên cứu tiếp tục sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng theo hướng ngày càng chặt chẽ và có tính pháp lý cao hơn; triển khai tích cực chỉ thị 33 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác kê khai tài sản, thu nhập; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy. đồng thời, cơ quan chống tham nhũng phải khắc phục tình trạng nể nang; tăng cường giáo dục tư tưởng cán bộ; xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu...

Trần Danh

 

 

 

Tin xem nhiều