Báo Đồng Nai điện tử
En

Đào tạo nghề cần đi vào thực chất và cụ thể

04:08, 22/08/2014

(ĐN)- Theo Ban chủ nhiệm chương trình đào tạo lao động kỹ thuật, toàn tỉnh hiện có 63 cơ sở đào tạo nghề và 2,4 ngàn giáo viên dạy nghề, giảm 13 cơ sở đào tạo nghề do không tuyển sinh được và thiếu vốn hoạt động.

(ĐN)- Tại buổi giám sát chương trình đào tạo lao động kỹ thuật tại Sở Lao động-thương binh và xã hội ngày 21-8, ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Ban Văn hóa- xã hội HĐND tỉnh đề nghị Ban chủ nhiệm chương trình rà soát kỹ mục tiêu của chương trình để có giải pháp thu hút người học, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp và xã hội. Đặc biệt, công tác đào tạo nghề cho lao động kỹ thuật, lao động nông thôn cần đi vào thực chất, cụ thể hơn nữa.

Ông Lâm Duy Tín, Phó giám đốc Sở Lao động- thương binh và xã hội nêu lên những khó khăn, hạn chế trong công tác đào tạo lao động kỹ thuật.
Ông Lâm Duy Tín, Phó giám đốc Sở Lao động- thương binh và xã hội phát biểu tại buổi giám sát

Theo Ban chủ nhiệm chương trình, toàn tỉnh hiện có 63 cơ sở đào tạo nghề và 2,4 ngàn giáo viên dạy nghề, giảm 13 cơ sở đào tạo nghề vì từ 2011-2013, có 16 cơ sở dạy nghề phải giải thể, ngừng hoạt động do không tuyển sinh được và thiếu vốn hoạt động.

Trong số 236,2 ngàn học sinh được đào tạo nghề giai đoạn từ năm 2011 đến tháng 6-2014, có 214,7 ngàn em tốt nghiệp. Đối tượng bộ đội xuất ngũ và đồng bào dân tộc thiểu số, lao động nông thôn, người khuyết tật được quan tâm, ưu tiên dạy nghề miễn phí. Số học viên sau đào tạo được giải quyết việc làm chiếm 80%, trong đó học viên tốt nghiệp các nghề: kỹ thuật cắt gọt kim loại, hàn, điện công nghiệp, sửa chữa máy công cụ...có tỷ lệ việc làm rất cao.

Có 4 trường cao đẳng nghề, 1 trường trung cấp nghề và 2 trung tâm dạy nghề đã được Tổng cục Dạy nghề kiểm định và công nhận đạt chất lượng dạy nghề. Các trường được đầu tư hơn 15 tỷ đồng để đầu tư trang thiết bị dạy nghề trong 3 năm 2011-2013.

Một số chỉ tiêu thuộc chương trình đào tạo lao động kỹ thuật giai đoạn 2011-2015 còn đạt thấp như: Số học viên tốt nghiệp cao đẳng nghề và trung cấp nghề; thu hút học sinh sau tốt nghiệp THCS vào các trường nghề; số cơ sở dạy nghề, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên dạy nghề...

Hạnh Dung

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích