(ĐN) - Ngày 27-2, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác bồi dưỡng lý luận chính trị, pháp luật cho công nhân lao động và cán bộ Công đoàn cơ sở năm 2014 và giai đoạn 2009-2014.
(ĐN) - Ngày 27-2, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác bồi dưỡng lý luận chính trị, pháp luật cho công nhân lao động và cán bộ Công đoàn cơ sở năm 2014 và giai đoạn 2009-2014 (gọi tắt là Đề án 84).
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Tư trao bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện đề án. Ảnh: C.Nghĩa |
Đến dự có các đồng chí: Trần Văn Tư, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Văn Ru, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy.
Theo báo cáo của Ban Chủ nhiệm Đề án 84 của tỉnh, từ năm 2009 đến 2014 đã triển khai việc bồi dưỡng lý luận chính trị, pháp luật cho 265.933 công nhân lao động và cán bộ Công đoàn cơ sở, trong đó riêng năm 2014 có 74.546 người được bồi dưỡng kiến thức. Kết quả nhận thức của công nhân lao động và cán bộ Công đoàn cơ sở đạt tỷ lệ cao.
Đánh giá việc thực hiện Đề án 84, đồng chí Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Chủ nhiệm đề án 84 cho rằng, đề án đã đạt được 5 yêu cầu, đó là: đạt chỉ tiêu, kế hoạch, mục tiêu, kinh nghiệm, hiệu quả.
Đề cập đến nhiệm vụ triển khai Đề án 84 trong năm 2015, đồng chí Huỳnh Văn Tới nhấn mạnh, đề án phải đạt yêu cầu cao hơn, tập trung vào đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở. Chú ý đưa nội dung mục tiêu, nhiệm vụ đại hội Đảng các cấp vào chương trình bồi dưỡng. Tiếp tục đổi mới nội dung giáo dục, đồng thời đa dạng hình thức học tập, phát huy vai trò chủ động của ban chỉ đạo các địa phương và nâng chất lượng đội ngũ báo cáo viên.
Đồng chí Huỳnh Văn Tới trao bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện đề án |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Tư đề nghị ban chủ nhiệm đề án cần đánh giá sâu hơn nữa về hiệu quả, lợi ích của đề án mang lại cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, phát huy vai trò của doanh nghiệp là một nhân tố quan trọng để việc thực hiện đề án được hiệu quả hơn, qua đó doanh nghiệp tạo điều kiện nhiều hơn về thời gian, vật chất và kinh phí cho thực hiện đề án. Cần đánh giá sâu hơn về vai trò của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp trong thực hiện đề án.
Đồng chí Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh, thời gian tới phải tiếp tục coi trọng công tác bồi dưỡng, giáo dục lý luận chính trị cho công nhân lao động và đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở. Cần cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng đối với đội ngũ công nhân lao động, trong đó có Nghị quyết 20 về “Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.
Theo đồng chí Trần Văn Tư, cần phát huy vai trò của tổ chức Đảng và Công đoàn trong doanh nghiệp. Ban cán sự Đảng UBND tỉnh cần thường xuyên nhắc nhở các doanh nghiệp thực hiện nghiêm quy chế dân chủ, tăng cường đối thoại với người lao động. Tích cực phát triển Đảng trong doanh nghiệp, với phương châm “Nơi nào có công nhân lao động, nơi đó có tổ chức Đảng”.
Công Nghĩa