Đêm giao thừa, mọi người ai cũng muốn được đón nhận giờ phút thiêng liêng bên cạnh người thân trong gia đình. Thế nhưng, do đặc thù công việc, nhiều người đã thầm lặng hy sinh vì niềm vui chung của xã hội.
Đêm giao thừa – cái thời khắc đặc biệt nhất trong năm mà mỗi người đều muốn đón nhận giờ phút thiêng liêng đó cùng với người thân trong gia đình. Thế nhưng, do đặc thù công việc, sự thầm lặng cống hiến, hoặc vì cuộc sống mưu sinh, mà nhiều người đã không được đón chào năm mới bên gia đình và người thân.
Tại nơi họ đang làm nhiệm vụ, nhiều người đã rất hạnh phúc khi được nhìn thấy thành quả lao động của mình đã góp một phần nhỏ vào niềm vui chung của nhiều người. Họ là những công nhân đường sắt, bác sĩ, người chiến sĩ công an…đã và đang miệt mài với công việc của mình trong đêm giao thừa đón chào năm mới 2015.
Gắn bó với công việc của một công nhân ngành đường sắt đã hơn chục năm nay, anh Phạm Tiến Dũng (kíp trưởng ở chắn 18, khu chợ Đồn, phường Bửu Hòa (TP.Biên Hòa) cho biết, năm nay anh cùng 2 công nhân khác là Bạch Đình Linh và Nguyễn Thanh Sơn (đều là công nhân Công ty TNHH MTV quản lý đường sắt Sài Gòn) đảm nhận ca trực tại chốt 18 vào đêm giao thừa.
Do đặc thù công việc, nên mỗi một năm vào thời điểm này, chỉ có dăm bảy người được nghỉ để đón tết với gia đình, còn lại đều trực cả. “Một phần vì công việc, phần nữa là vì mưu cầu cuộc sống nên chúng tôi cũng lấy đó làm vui mà làm thôi” - anh Dũng chia sẽ. Anh Dũng cùng tổ trực báo hiệu và đẩy rào chắn cho đoàn tàu SE4 đi từ TP.Hồ Chí Minh ra TP.Hà Nội trong đêm giao thừa.
Anh Trần Quốc Bửu, một người làm nhiệm vụ tuần cầu tại khu vực cầu Ghềnh được 28 năm nay. Đêm giao thừa năm nay, anh Bửu lại đảm nhận ca trực tại điểm chốt quen thuộc. “Đến giờ tôi cũng không biết mình đã nhận ca trực đêm giao thừa tại đây là lần thứ mấy nữa” - anh Bửu tâm sự.
Dù chỉ có một mình tại điểm chốt, nhưng anh Bửu vẫn sắm sữa đĩa trái cây và ít bánh kẹo mang từ nhà ra để thắp nhang vào thời khắc giao thừa, cầu mong mọi sự bình an. Anh Bửu tâm sự: “từ khi cầu Ghềnh tách khỏi cầu đường bộ tại chốt trực này thường chỉ có một người trực để canh cầu”. Tại đây người tuần cầu có nhiệm vụ kiểm tra an toàn của cầu, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố có thể xảy ra trên cầu để báo hiệu cho tàu mỗi khi vào cầu… Đêm nay, sau lần kiểm tra cầu cuối cùng trước khi thời khắc giao thừa đến anh Bửu lại trở về chốt và chuẩn bị đĩa trái cây đểm thắp nhang khấn cầu sự bình an.
***
Tại khoa cấp cứu Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, khi chúng tôi có mặt vào thời khắc giao thừa sắp đến, bác sĩ Tôn Thị Mỹ Ngọc cùng kíp trực của mình đang liên tục làm việc để tiếp nhận một số ca cấp cứu mới. Sau khi giải quyết các trường hợp cấp cứu, bác sĩ Ngọc cho biết: “Thời khắc này, ai cũng muốn ở nhà bên gia đình, nhưng vì công việc mà”.
Bác sĩ Ngọc chia sẻ: “Mỗi lần nhận nhiệm vụ, thấy sự mong mỏi của bệnh nhân và người nhà của họ, khiến mình lại phải cố gắng nhiều hơn để giúp đỡ họ vượt qua nguy hiểm”. Cũng như những ca trực khác năm nay bác sĩ Ngọc cùng kíp trực của mình đảm nhận ca trực từ 7 giờ ngày 30 tết đến sáng ngày mùng 1 tết mới hết ca.
Tại khu vực quảng trường tỉnh, khi thời khắc giao thừa sắp đến, chúng tôi chứng kiến hàng chục cán bộ, chiến sĩ lực lượng cảnh sát giao thông liên tục làm nhiệm vụ hướng dẫn, điều tiết giao để người dân đi lại và thuận tiện trong việc xem màn bắn pháo hoa. Tại các ngã đường đổ về khu vực quảng trường tỉnh hàng chục cảnh sát giao thông đã được điểu động để phân luồng.
Sau những màn pháo hoa rực trời và trước những dòng người đông nghịt, hình ảnh của người chiến sĩ cảnh sát giao thông vẫn miệt mài làm việc để đảm bảo an toàn cho người dân hưởng trọn niềm vui trong đêm giao thừa.
Trần Danh