Báo Đồng Nai điện tử
En

Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Trưng cầu ý dân

03:02, 26/02/2015

Tiếp tục phiên họp thứ 35, chiều 25/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Trưng cầu ý dân.

Tiếp tục phiên họp thứ 35, chiều 25/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Trưng cầu ý dân. 

Dự kiến dự án sẽ được thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 9 và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: TTXVN)
Đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Luật Trưng cầu ý dân nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013. 

Việc ban hành Luật Trưng cầu ý dân sẽ tạo cơ sở pháp lý cho người dân trực tiếp tham gia vào các công việc của Nhà nước, thể hiện ý chí và thực hiện quyền làm chủ của mình đối với các vấn đề hệ trọng của đất nước. 

Khẳng định đây là dự án Luật quan trọng, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan trình dự án tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, gửi xin ý kiến Chính phủ, tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan, xây dựng báo cáo đánh giá tác động liên quan đến mức độ mong chờ của người dân, ý nghĩa, tác động khi ban hành Luật trong đời sống xã hội; bảo đảm luật có tính khả thi và thống nhất với các luật liên quan trong hệ thống pháp luật.

Về những vấn đề được trưng cầu ý dân, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc xác định vấn đề nào phải đưa ra trưng cầu ý dân là đặc biệt quan trọng, liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền dân chủ của người dân tham gia vào các công việc của Nhà nước. Vì vậy, dự án Luật cần quy định tiêu chí, điều kiện để các chủ thể có quyền đề nghị Quốc hội trưng cầu ý dân có sơ sở để thực hiện.

Đối với chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân, đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định trưng cầu ý dân là một trong những hình thức thực hiện quyền dân chủ trực tiếp cao nhất của người dân.

Luật Tổ chức Quốc hội vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 8 đã xác định rõ: “Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân về Hiến pháp hoặc về những vấn đề quan trọng khác theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội.” 

Do vậy, để bảo đảm tính thống nhất với Luật tổ chức Quốc hội, cần quy định: Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền trình kiến nghị trưng cầu ý dân.

Liên quan đến phạm vi trưng cầu ý dân, nhiều ý kiến cho rằng trưng cầu ý dân chỉ nên quy định tổ chức ở quy mô toàn quốc, vì như vậy sẽ phù hợp với quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam hiện hành về thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân của Quốc hội. 

Điều này thống nhất với thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân và tổ chức việc trưng cầu ý dân là thuộc về Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được quy định trong Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội. 

Mặt khác, đối với các vấn đề liên quan đến đời sống của nhân dân ở một số địa phương hoặc vùng lãnh thổ nhất định, hiện nay pháp luật đã, sẽ tiếp tục bổ sung các quy định để bảo đảm có sự tham gia ý kiến của người dân trực tiếp chịu tác động. 

Tính chất, giá trị pháp lý của các hình thức lấy ý kiến nhân dân theo nhóm đối tượng hay địa bàn so với trưng cầu ý dân thực hiện trên quy mô toàn quốc. Do đó, đề nghị trong Luật chỉ quy định phạm vi trưng cầu ý dân trên toàn quốc mà không tiến hành ở phạm vi địa phương.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, có những vấn đề hệ trọng của quốc gia do Quốc hội quyết định nhưng chủ yếu ảnh hưởng đến lợi ích của một bộ phận dân cư hay tác động trực tiếp đến một hoặc một số địa phương nhất định. Vì vậy, nếu chỉ quy định phạm vi trưng cầu ý dân được thực hiện trên toàn quốc là chưa đầy đủ, phù hợp, dự án Luật cần quy định trưng cầu ý dân có phạm vi trên toàn quốc, nhưng trong một số trường hợp cũng có thể tiến hành ở phạm vi một hoặc một số đơn vị hành chính nhất định.

Nhiều đại biểu nêu rõ, dự án Luật mới chỉ quy định về trình tự, thủ tục việc trưng cầu ý dân chứ chưa quy định về trách nhiệm của hệ thống bộ máy nhà nước và của công dân khi tham gia trưng cầu ý dân; làm rõ việc quyết định sau khi có kết quả trưng cầu ý dân để bảo đảm hoạt động này có đầy đủ căn cứ pháp lý.

Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thảo luận về Ủy ban trưng cầu ý dân Trung ương; kỹ thuật thiết kế các quy định về danh sách cử tri và khu vực bỏ phiếu trưng cầu ý dân; về giám sát trưng cầu ý dân.../.

(TTXVN/VIETNAM+)

Tin xem nhiều