Báo Đồng Nai điện tử
En

Tình hình thời tiết năm 2015 sẽ diễn biến phức tạp

02:03, 28/03/2015

Ngày 28-3, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì Hội nghị trực tuyến cả nước về công tác phòng chống lụt bão trong năm 2015. Tại đầu cầu Đồng Nai, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phú Cường chủ trì hội nghị.

Ngày 28-3, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì Hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành trong cả nước về công tác phòng chống lụt bão trong năm 2015. Tại đầu cầu Đồng Nai, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phú Cường chủ trì hội nghị.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống lụt bão năm 2015.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì hội nghị

Năm 2014, thiên tai xảy ra ít hơn cả về cường độ và số lượng so với trung bình nhiều năm. Cụ thể, cả nước có 5 cơn bão và 3 cơn áp thấp nhiệt đới (có 3 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta). Tuy bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) xảy ra ít nhưng cũng gây thiệt hại khoảng 2.830 tỷ đồng. Theo dự báo, năm 2015 thời tiết diễn biến phức tạp hơn năm trước.

Vấn đề được các tỉnh kiến nghị nhiều nhất là tình trạng thiếu nước sản xuất trong mùa khô, hàng ngàn hecta cây trồng có nguy cơ mất trắng, giảm năng suất. Hầu hết các tỉnh đều đề xuất Chính phủ tăng nguồn kinh phí hỗ trợ địa phương gia cố hồ đập, làm các công trình thủy lợi để đảm bảo nguồn nước sản xuất trong mùa khô và ngăn lũ trong mùa mưa.

* Dòng chảy cạn kiệt

Trong những tháng đầu năm 2015, mực nước trên các sông, suối từ Bắc vào Nam đều giảm dần. Đặc biệt, mạng lưới sông, suối ở khu vực Tây nguyên, Đông Nam bộ, mực nước xuống thấp, dòng chảy đều thiếu hụt so với trung bình nhiều năm và cùng kỳ năm trước từ 30-70%. Tình hình khô hạn, thiếu nước đã xảy ra ở nhiều tỉnh.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) Hoàng Văn Thắng cho biết, trong gần 3 tháng đầu năm 2015, lượng dòng chảy trên các sông chính giảm mạnh và thấp hơn nhiều so với những năm trước. Dòng chảy cạn kiện, thủy triều dâng cao, đã khiến mặn xâm nhập sớm và sâu vào trong nội đồng từ 20-30km.

Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, trong những tháng tiếp theo của mùa khô 2015 (từ đầu tháng 4 đến tháng 8-2015), dòng chảy trên các sông ở Trung bộ và khu vực phía Nam tiếp tục giảm mạnh. Các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận dòng chảy xuống thấp hơn năm 2014 khoảng 60-80%; các sông từ Khánh Hòa đến Ninh Thuận thấp hơn 80-90%; khu vực Tây Nguyên, Đông Nam bộ từ cuối tháng 5 có mưa nên dòng chảy được cải thiện nên chỉ giảm 20%. Nhiều khả năng ở hạ lưu các sông sẽ xuất hiện mực nước thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc trong lịch sử và tình trạng xâm nhập mặn khả năng kéo dài đến đầu tháng 5-2015 mới giảm dần.

* Mùa mưa đến trễ

Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định: "Mùa khô 2014-2015, ít có những cơn mưa trái mùa. Lượng mưa trong tháng 4 ở Trung bộ và Nam bộ thấp hơn mọi năm. Năm nay, mùa mưa đến trễ gần 1 tháng, từ giữa tháng 5 đến đầu tháng 6 mới xuất hiện những cơn mưa lớn nên tình trạng khô hạn ở Nam bộ sẽ kéo dài đến thời điểm trên mới dần được cải thiện". Tuy nhiên, mùa mưa năm nay lượng mưa tập trung nhiều ở nửa cuối mùa (từ tháng 8 đến tháng 10), còn nửa đầu mùa lượng mưa ít hơn những năm trước.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phú Cường, chủ trì hội nghị trực tuyến tại đầu cầu Đồng Nai
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phú Cường chủ trì hội nghị trực tuyến tại đầu cầu Đồng Nai

Thông tin từ Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, mùa mưa năm 2015 khả năng sẽ xuất hiện El Nino ở cường độ trung bình. Hiện tượng này sẽ làm hoạt động của bão, ATNĐ trên biển Đông sẽ giảm. Dự báo, có khoảng 9-10 cơn bão, ATNĐ hoạt động trên biển đông, giảm khoảng 2-3 cơn. Số cơn bão, ATNĐ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta khoảng 4-5 cơn. Nền nhiệt độ trên toàn quốc từ tháng 5 đến tháng 10-2015 phổ biến cao hơn 0,5-10C.

Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia cảnh báo, khoảng 2 năm trở lại đây, số lượng cơn bão không tăng, song xuất hiện nhiều siêu bão hoạt động không theo quy luật, dự báo khó khăn. Vì thế, ngay từ đầu năm, các địa phương phải chủ động triển khai các giải pháp phòng chống lụt bão theo phương châm "4 tại chỗ" để hạn chế thiên tai xuống mức thấp nhất.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Ngọc Minh, Phó đô đốc, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai nói: "Năm 2014, bão, lũ thiên tai ít và diễn biến sát với dự báo, nhưng vẫn làm 133 người chết, mất tích; 145 người bị thương, sập đổ gần 2 ngàn căn nhà và thiệt hại hơn 230 ngàn héc ta lúa, hoa màu. Năm nay, bão ít nhưng cường độ mạnh, khó dự báo, các địa phương phải chủ động chuẩn bị lực lượng, phương tiện để khi xảy ra thiên tai có thể ứng cứu kịp thời".

Khu vực ven sông xã Phước Khánh (huyện Nhơn Trạch) bị sạt lở nhiều trong mùa mưa.
Khu vực ven sông xã Phước Khánh (huyện Nhơn Trạch) bị sạt lở nhiều trong mùa mưa.

Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải yêu cầu, trong thời gian tới, các tỉnh, thành tiếp tục bám sát dự báo thời tiết của từng khu vực để có biện pháp ứng phó kịp thời với những thiên tai do thời tiết gây ra. Các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân để mỗi người có ý thức trách nhiệm trong công tác phòng chống lụt bão, thiên tai; tăng cường kiểm tra, rà soát, đánh giá lại các khu vực tiềm ẩn thảm họa để có phương án phòng chống hiệu quả.

Tại Đồng Nai, năm 2014, tình hình bão lũ ít ảnh hưởng đến các địa phương. Toàn tỉnh chỉ có vài chục căn nhà bị tốc mái và ngập, diện tích hoa màu ao cá bị ảnh hưởng không đáng kể. Tuy nhiên, trong mùa khô 2014-2015, một số vùng cao thuộc các huyện: Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc…đã xảy ra thiếu nước cục bộ.

                                   Hương Giang

 

 

 

Tin xem nhiều