Báo Đồng Nai điện tử
En

Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế toàn dân tại Đồng Nai còn thấp

03:05, 07/05/2015

(ĐN) - Tại buổi làm việc với Đồng Nai về thực hiện các chính sách bảo hiểm y tế vào ngày 7-5, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế toàn dân của tỉnh còn thấp...

(ĐN) - Ngày 7-5, phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Đồng Nai về tình hình thực hiện các chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế, Pháp Lệnh dân số và Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên cho rằng, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế toàn dân của Đồng Nai hiện đạt 67% dân số, thấp hơn so với cả nước (71,4% dân số).

Phó Chủ nhiệm ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên phát biểu tại buổi làm việc.
Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên phát biểu tại buổi làm việc.

Cũng theo Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Đồng Nai là một tỉnh có kinh tế phát triển, thu nhập khá, vì vậy tỉnh phải đề ra giải pháp khắc phục. Theo đó, bên cạnh việc đẩy mạnh hơn nữa trong tuyên truyền, cần phát triển mạnh mạng lưới cộng tác viên bán bảo hiểm y tế ở các xã, phường; tăng cường trách nhiệm của UBND cấp xã trong vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế; đơn giản các thủ tục hành chính để người dân tham gia.

Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị tỉnh quan tâm đến chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân ở các khu công nghiệp, tìm mô hình phù hợp nhằm đưa các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, tư vấn sức khỏe sinh sản đến tận các khu công nghiệp để đáp ứng nhu cầu của công nhân, giảm tình trạng nạo, hút thai, nâng cao chất lượng dân số.

Riêng Luật phòng, chống bạo lực gia đình, theo Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên, thì đây là một luật khó, việc thực hiện còn hạn chế. Qua công tác kiểm tra cho thấy, các địa phương vẫn còn lúng túng khi triển khai thực hiện nên các số liệu báo cáo còn bất nhất, chưa chính xác. Do đó, trong thời gian tới, Đồng Nai phải giao cho UBND cấp xã báo cáo tình hình với HĐND ở các địa phương hàng năm. Vai trò của chính quyền cấp xã rất quan trọng trong việc tổ chức, giám sát, quan tâm, xử lý, nhắc nhở, vì tất cả vụ việc xảy ra trên địa bàn cấp xã.

Cũng trong ngày 7-5, đoàn công tác của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã đi kiểm tra thực tế tại 2 xã: Tân Hiệp (huyện Long Thành) và Tân Hạnh (TP.Biên Hòa).

Ngọc Thư      

 

 

 

Tin xem nhiều