Báo Đồng Nai điện tử
En

Chú trọng yếu tố biến đổi khí hậu trong Luật Khí tượng thủy văn

11:06, 15/06/2015

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, chiều 13/6, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Khí tượng thủy văn và Dự án Luật An toàn thông tin. Các đại biểu đều nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cần thiết ban hành Luật, tuy nhiên, đây là hai luật chuyên ngành sâu nên các nội dung cần thảo luận kỹ.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, chiều 13/6, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Khí tượng thủy văn và Dự án Luật An toàn thông tin. Các đại biểu đều nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cần thiết ban hành Luật, tuy nhiên, đây là hai luật chuyên ngành sâu nên các nội dung cần thảo luận kỹ. 
Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội Nguyễn Bắc Son phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)
Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội Nguyễn Bắc Son phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)

Tạo thay đổi cơ bản trong công tác quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn

Các đại biểu đều cho rằng, việc ban hành Luật Khí tượng thủy văn nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn và hoạt động thực tiễn như quản lý, khai thác mạng lưới trạm khí tượng thủy văn; dự báo, cảnh báo, thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn; hoạt động phục vụ, dịch vụ khí tượng thủy văn; giám sát biến đổi khí hậu... 

Tại buổi thảo luận tổ, đại biểu Đặng Thế Vinh ( Hậu Giang) nhấn mạnh, Dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình khí tượng thủy văn, các văn bản pháp luật khác có liên quan trong hoạt động khí tượng thủy văn, khi đưa thành Luật Khí tượng thủy văn, phạm vi điều chỉnh sẽ tốt hơn, bao quát hơn, phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam.

Tuy nhiên, công tác dự báo, hoạt động khí tượng thủy văn nói chung gồm các vấn đề về quan trắc, biến đổi khí hậu, dự báo thời tiết... đòi hỏi có thiết bị công nghệ tiên tiến hay sự đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, đặc biệt hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khí tượng thủy văn để đưa ra những dự báo, cảnh báo hay các hoạt động can thiệp vào thời tiết. 

Do vậy, Chương 2 về quản lý khai thác mạng lưới Trạm khí tượng thủy văn nên cân nhắc vấn đề đầu tư cũng như ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quan trắc, ứng phó với biến đổi khí hậu, dự báo thời tiết... 

Bên cạnh đó, Luật cũng cần quan tâm đến nguồn nhân lực, kinh nghiệm quốc tế trong thực hiện Luật Khí tượng thủy văn. 

Đại biểu Lê Minh Thông (Thanh Hóa) nhấn mạnh đây là Luật cực kỳ quan trọng, tuy nhiên, biến đổi khí hậu là một mảng rất quan trọng trong dự thảo Luật, mà chỉ để tên Luật là Luật Khí tượng thủy văn thì phạm vi "hẹp," vì vậy cần cân nhắc mở rộng tên của Luật. 

Thực tế, nhu cầu về ứng phó trong biến đổi khí rất rộng lớn, điển hình là các vấn đề sóng thần, động đất, hạn hán... đều liên quan đến biến đổi khí hậu. Do đó, nội dung của Luật cần mở rộng hơn và có tên "ôm" hơn để đảm bảo tính bao quát chung, do đây là Luật chuyên ngành sâu nên tên cụ thể là gì thì cần thảo luận và bàn bạc thêm. 

Cũng theo đại biểu Lê Minh Thông, Việt Nam bị ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu, do vậy, cần tăng khả năng dự báo để có thể ứng phó, đồng thời, xây dựng lực lượng có thể nắm bắt, có thể dự báo được hiện tượng tự nhiên. 

Đây là trách nhiệm đầu tư của nhà nước trong đào tạo, công nghệ cũng như tài chính. Vì vậy, các nội dung cần ghi cụ thể hơn nữa trong Luật. 

Đại biểu Lê Hồng Tịnh (Hậu Giang) cho rằng, nếu không xã hội hóa việc lập trạm quan trắc tại nhiều hồ đập cũng như việc sử dụng thông tin trong quan trắc, Nhà nước không đủ điều kiện cũng như nguồn lực đầu tư. Vấn đề này cần được quy định trong Luật để việc xã hội hóa tốt, có hiệu quả, sẽ thu hút được đầu tư tư nhân trong việc xây dựng trạm quan trắc. 

Ngoài ra, Luật cũng cần làm rõ trách nhiệm việc công bố số liệu, dự báo và cơ quan dự báo. Cơ quan dự phải có trách nhiệm và quy trách nhiệm rõ ràng, thậm chí quy trách nhiệm cho người đứng đầu để nâng cao hiệu quả thông tin dự báo. 

Nhiều đại biểu cũng đồng tình với tầm quan trọng của thông tin dự báo và nhấn mạnh thông tin dự báo phải chính xác và cần có trách nhiệm với thông tin để tránh thiệt hại về tài sản, nguồn lực do thông tin dự báo gây ra. 

Các đại biểu nêu thực trạng có tình trạng dự báo bão trên diện rộng, xảy ra ở nhiều tỉnh, những tỉnh được dự báo phải đi dân, cung cấp đồ dùng thiết yếu sinh hoạt cho người dân và huy động toàn bộ nguồn lực, tập trung chống bão... nhưng bão không đến hoặc rất nhỏ gây thiệt hại đến kinh tế-xã hội. 

Cũng liên quan đến Dự án Luật Khí tượng thủy văn, đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) lại quan tâm đến nội dung về trách nhiệm quản lý nhà nước của Luật. Đại biểu cho rằng, Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan soạn thảo Luật phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý nhà nước trong lĩnh vực khí tượng thủy văn trên phạm vi cả nước. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải có trách nhiệm trong việc ban hành các văn bản, Thông tư để quản lý. 

Việc ban hành Luật Khí tượng thủy văn sẽ tạo ra những thay đổi cơ bản trong công tác quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn; huy động được nhiều nguồn lực từ xã hội đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại cho khí tượng thủy văn. 

Đặc biệt, kết quả hoạt động khí tượng thủy văn sẽ cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ và kịp thời để phục vụ tốt hơn cho công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản, góp phần phát triển kinh tế-xã hội bền vững, bảo đảm an ninh và quốc phòng của đất nước. 

Hoàn thiện cơ sở pháp lý ổn định về an toàn thông tin 

Thảo luận về Dự án Luật An toàn Thông tin, đại biểu Nguyễn Bắc Son (Hà Nội) khẳng định thực tiễn công tác quản lý, điều hành trong lĩnh vực thông tin, truyền thông cho thấy hành lang pháp lý về an toàn thông tin còn thiếu, không đồng bộ. 

Vì vậy, việc xây dựng Luật an toàn thông tin nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý ổn định về an toàn thông tin theo hướng áp dụng các quy định pháp luật một cách đồng bộ, khả thi trong thực tiễn thi hành; đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế-xã hội, bảo vệ thông tin và hệ thống thông tin, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền và lợi ích quốc gia 

Về phạm điều chỉnh và tên gọi của Luật, đại biểu Đào Trọng Thi (Hà Nội) nêu rõ, nếu gọi chung là Luật An toàn thông tin thì quá rộng không phù hợp với phạm vi điều chỉnh. Nếu lựa chọn là an toàn thông tin số thì cũng không chính xác, bởi vì thực ra thông tin số chỉ là thông tin được số hóa và theo phạm vi điều chỉnh thì không phải như vậy. 

Vì vậy, gọi là an toàn thông tin mạng mới phản ánh đúng phạm vi điều chỉnh của Luật. Ban soạn thảo luật nên lựa chọn tên gọi này cho phù hợp với phạm vi điều chỉnh tránh sự mập mờ không rõ về bản chất. 

Đại biểu Đào Trọng Thi nhấn mạnh vấn đề tiếp theo là mật mã dân sự. Thực ra, việc phân biệt ở đây không phải là dân sự hay quân sự mà chính là Nhà nước và ngoài Nhà nước. 

Cho đến nay, tất cả những vấn đề bảo vệ thông tin bí mật quốc gia đều là trách nhiệm của Ban cơ yếu Chính phủ và Ban cơ yếu Chính phủ không phải là Ban cơ yếu của của Bộ Quốc phòng. Ban cơ yếu của Chính phủ hiện nay chịu trách nhiệm về bảo vệ, bảo mật thông tin của Nhà nước. 

Những thông tin của doanh nghiệp, của ngoài Nhà nước hoặc không được quy định trong thông tin của Nhà nước không thuộc trách nhiệm của Ban cơ yếu Chính phủ mà nên giao cho các doanh nghiệp, thậm chí các doanh nghiệp tư nhân nếu đáp ứng điều kiện. Chính vì vậy, Ban soạn thảo Luật nên xác định về khái niệm mật mã dân sự cho chính xác hơn; quy định cụ thể loại bí mật nào do ai quản lý. 

Đại biểu đề xuất có thể gọi là mật mã ngoài nhà nước hoặc khu vực ngoài nhà nước để phân biệt với mật mã của các cơ quan Nhà nước. 

Theo đại biểu Đào Việt Trung (Đồng Tháp), đây là dự Luật mang tính kỹ thuật cao, điều chỉnh một vấn đề lớn trong đời sống sinh hoạt của xã hội, cộng đồng hiện nay không phải chỉ của Việt Nam mà là xu thế sắp tới chi phối tất cả đời sống chính trị, kinh tế-xã hội, kể cả sinh hoạt của cá nhân ở phạm vi toàn cầu; đó là những vấn đề số hóa, mã hóa, thông tin mạng. 

Đây là vấn đề lớn và các khái niệm mang tính kỹ thuật cao nên có nhiều khoản các đại biểu không hình dung hết được dẫn đến khó khăn trong việc đóng góp ý kiến.

Đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như các cơ quan chuyên môn, cơ quan thẩm tra nên có những hình thức như tọa đàm, hội thảo, phản biện để những chuyên gia đóng góp sâu về vấn đề này trước khi Quốc hội thảo luận và cho ý kiến về Luật này. 

Hiện nay, với hình thức là dự thảo Luật như thế này, các đại biểu chưa hình dung hết được tầm quan trọng và tính sát thực, tính rõ ràng, đúng hay không đúng của các điều khoản trong dự thảo Luật. Đây là vấn đề mới và có tính quan trọng nên Ban soạn thảo phải thận trọng và cố gắng đảm bảo tính chính xác cao để không phải chỉnh sửa khi mới ban hành. Vì vậy, cần có nghiên cứu đào sâu hơn nữa và các cơ quan chuyên môn cần tập trung vào các nội dung trong Luật trước khi trình Quốc hội. 

Đồng ý với ý kiến của đại biểu Đào Việt Trung, đại biểu Nguyễn Thanh Thảo (Đồng Tháp) nhấn mạnh tại những hội thảo cần có những chuyên gia ham hiểu sâu về vấn đề này để cung cấp thông tin cụ thể cho các đại biểu trước khi góp ý vào dự thảo Luật và bấm nút thông qua Luật. 

Dự thảo cần được lấy ý kiến rộng rãi trong những tổ chức kinh doanh về lĩnh vực thông tin mạng hay các doanh nghiệp sử dụng thông tin của khách hàng trên mạng. …/.

(TTXVN/VIETNAM+)

Tin xem nhiều