Báo Đồng Nai điện tử
En

Đa số đại biểu QH tán thành xây dựng sân bay Long Thành

07:06, 05/06/2015

Tại phiên thảo luận sáng 4-6 tại hội trường về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành, đa số các Đại biểu Quốc hội đều tỏ ý tán thành với báo cáo chủ trương đầu tư dự án...

[links()]Đa số đại biểu Quốc hội đồng tình với việc phân kì đầu tư, tính khả thi cũng như hiệu quả kinh tế - xã hội do dự án mang lại .

Tại phiên thảo luận sáng 4-6 tại hội trường về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành, đa số các Đại biểu Quốc hội đều tỏ ý tán thành với báo cáo chủ trương đầu tư dự án, cũng như Báo cáo giải trình, tiếp thu về dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban kinh tế của Quốc hội.

Các ý kiến đồng tình với việc khẳng định, sân bay Long Thành là một án quan trọng đặc biệt cấp quốc gia, có ý nghĩa to lớn để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Vị trí của Long Thành thuận lợi về nhiều mặt, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối đã và đang được đầu tư.

Không nên đặt Quốc hội vào thế đã rồi!

Cho rằng việc triển khai dự án chậm trễ, kéo dài, Đại biểu Dương Trung Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tỏ ý không hài lòng với việc dự án lẽ ra đã phải được triển khai từ lâu, không phải đến thời điểm này các đại biểu Quốc hội vẫn còn phải tiếp tục ngồi bàn thảo.

“Vẫn ít nhiều có hai xu hướng là đồng tình và phản đối dự án, trong khi tại sao chúng ta lại không thể có một trung tâm tư vấn độc lập, hướng dự án đến tính khả thi, giúp cho người dân yên lòng, Quốc hội đồng thuận”, đại biểu Dương Trung Quốc đặt câu hỏi.

Đại biểu Dương Trung Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai.
Đại biểu Dương Trung Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai.
Đại biểu Dương Trung Quốc cũng chỉ rõ, không chỉ đối với dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, ngay cả nhiều dự án khác cũng gặp tình trạng như vậy. Mặc dù mới chỉ là việc quyết định chủ trương đầu tư, là giai đoạn tiền khả thi thì chưa thể khẳng định tính hiệu quả nhưng đã tốn kém quá nhiều thời gian.

Đối với dự án sân bay Long Thành, do không được triển khai sớm theo dự định, có thể hậu quả phải trả sẽ là rất lớn, khi những phương án khác như mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Biên Hòa đều không thể khả đi với tầm nhìn rất ngắn.

“Bước đi tiếp theo tôi rất mong Chính phủ, đặc biệt là Bộ GTVT cố gắng đẩy mạnh hơn nữa việc minh bạch hóa, thu hút ý kiến của người dân, đặc biệt tìm được ý kiến chuyên môn xác đáng, đủ sức thuyết phục để mọi người yên lòng. Ý kiên cá nhân tôi ủng hộ nhưng với điều kiện phải tiến hành các bước đi tiếp theo và đối với những dự án sau này, chúng ta phải có lộ trình hợp lý chứ ko phải đặt sự việc vào thế đã rồi, phải quyết định trong trong tình cảnh không còn con đường nào khác.

“Sân bay Tân Sơn Nhất quá tải nhanh chúng ta trở tay không kịp”

Đại biểu Trần Du Lịch, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM cho rằng, quan điểm của TP HCM ngay từ đầu đã nói rõ: Không thể mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất mà phải xây dựng sân bay Long Thành. Tân Sơn Nhất nằm trong khu vực nội thành, xung quanh là khu chung cư, không đảm bảo lâu dài nếu có một sân bay quốc tế trong khu dân cư.

Mặt khác hiện nay, nếu mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất việc đền bù là bất khả thi, theo quy hoạch vùng đô thị TP HCM, không có quy hoạch mở rộng Tân Sơn Nhất nên không có hệ thống giao thông kết nối. Với những lý do trên, Đại biểu Trần Du Lịch ủng hộ chủ trương xây dựng Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành để giải quyết việc quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất.

“Nếu mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất đến công suất tối đa chỉ đạt 25 triệu khách/năm thì quá mức quá tải này sẽ diễn ra nhanh chóng, đây sẽ là trở lực cho sự phát triển của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, Đại biểu Trần Du Lịch nói.

Với việc ủng hộ chủ trương, Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, quan điểm xây dựng chưa bàn đến, khi triển khai chi tiết khả thi sẽ tính toán cụ thể. Quan trọng là nếu làm chậm dự án sân bay Long Thành thì sân bay Tân Sơn Nhất sẽ quá tải, điều này có thể khiến chúng ta trở tay không kịp, do đó rất cần thiết triển khai và hoàn thành sớm dự án.

Là người tham gia quy hoạch Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đại biểu Trần Du Lịch cho biết, cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được quy hoạch là trung tâm của vùng kinh tế, với các nút giao thông kết nối đang hướng về Long Thành, nếu thay đổi làm chỗ khác sẽ phải bàn lại toàn bộ quy hoạch chi tiết.

Đã từng trải qua quá trình khảo sát thực tế, Đại biểu Trần Du Lịch ủng hộ tờ trình quy mô xây dựng sân bay 25 triệu hành khách/năm nhưng chỉ cần sử dụng 2.750 ha quỹ đất. Theo dự thảo trình Quốc hội, dự án sẽ thu hồi 5.000 ha, trong đó 1.050 ha đất dành lại quốc phòng, còn lại là đất dành cho hoạt động thương mại, dịch vụ. Đại biểu cho rằng nên tách riêng hai vấn đề này.

Đồng thời, đại biểu Trần Du Lịch ủng hộ việc thu hồi một lần cho trọn gói 3 giai đoạn. Tuy nhiên, nên tách phần thương mại dịch vụ thu hồi và tương lai cho thuê kinh doanh ra thành ra dự án khác. Không gói cả 3 dự án vào trong 1 vì nếu tính GPMB 5.000 ha sẽ đôn chi phí đền bù lên thêm 2.250 ha cần thêm 550 triệu USD, điều này đề nghị cần được cân nhắc.

Hoàn toàn ủng hộ các giai đoạn tiếp theo của dự án, nhưng Đại biểu Trần Du Lịch cũng lưu ý Chính phỉ cần tính toán hiệu quả các nguồn vốn. Trong đó cần làm rõ hai vấn đề: Nguồn ngân sách bao gồm cả vốn ODA và nguồn vốn xã hội hóa từ tư nhân. Đồng thời, Chính phủ cũng phải có bài toán khả thi để dự án ảnh hưởng đến nợ công luôn ở mức thấp nhất./.

Theo VOV.VN

 

Tin xem nhiều