Báo Đồng Nai điện tử
En

Phòng, chống HIV/AIDS: Đối diện với nhiều thách thức

03:06, 15/06/2015

(ĐN)- Theo TS.Hoàng Đình Cảnh, Phó cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, hiện nay số ca nhiễm HIV/AIDS mới giảm xu hướng gia tăng hàng năm, nhưng số ca nhiễm HIV/AIDS lũy kế hàng năm vẫn tiếp tục tăng.

(ĐN)- Phát biểu tại lớp tập huấn về truyền thông phòng, chống HIV/AIDS cho phóng viên các cơ quan báo chí trung ương và địa phương tại TP.Hồ Chí Minh vào ngày 15-6, TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, hiện nay số ca nhiễm HIV/AIDS mới giảm xu hướng gia tăng hàng năm, tuy nhiên số ca nhiễm HIV/AIDS lũy kế hàng năm vẫn tiếp tục tăng cao. Trong 5 tháng đầu năm 2015, cả nước có trên 3,2 ngàn người nhiễm HIV/AIDS phát hiện mới; hơn 1,3 ngàn người chuyển sang giai đoạn AIDS, 438 người nhiễm HIV đã tử vong. Như vậy, tính đến nay, cả nước đã có trên 227 ngàn người nhiễm HIV và trên 71 ngàn bệnh nhân AIDS.

TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng, Cục Phòng, chống HIV/AIDS phát biểu tại buổi tập huấn. (Ảnh: Ngọc Thư)
TS. Hoàng Đình Cảnh phát biểu tại buổi tập huấn (Ảnh: Ngọc Thư)

 Ngoài ra, số nhiễm HIV tiềm ẩn trong cộng đồng vẫn còn nhiều nguy cơ dịch len lỏi vào cộng đồng, gây bùng phát dịch còn rất cao. 5 tháng đầu năm, cả nước có 12 tỉnh, thành có số ca HIV/AIDS vẫn tiếp tục tăng, trong đó có cả các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, có một điểm mới là tỷ lệ nữ nhiễm HIV ngày càng cao, đa số trong độ tuổi từ 20-40 và lây nhiễm qua đường tình dục tăng cao.

Hiện nay, công tác phòng, chống HIV/AIDS đang đối diện với nhiều thách thức: ngân sách nhà nước cắt giảm nghiêm trọng; phòng, chống HIV/AIDS chủ yếu dựa vào viện trợ nước ngoài, chiếm đến 80% kinh phí. Đến năm 2017, Việt Nam phải tự chủ kinh phí phòng chống HIV/AIDS . Vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là phải nhanh chóng chuyển đổi từ phòng, chống HIV/AIDS chủ yếu dựa vào viện trợ sang lồng ghép vào hệ thống y tế, phân cấp và dựa vào ngân sách trong nước, chủ yếu là ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế. Đồng thời, phải khẩn trương mở rộng những can thiệp hiệu quả nhất với độ bao phủ đảm bảo có tác động rõ rệt trong phòng, chống HIV/AIDS như: cung cấp bơm kim tiêm sạch, bao cao su; khẩn trương mở rộng methadone; mở rộng điều trị ARV.

Đặc biệt, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông qua Internet, các trang mạng xã hội, báo chí. Trong đó, sẽ đẩy mạnh vận động các cấp lãnh đạo quan tâm đầu tư tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Mục đích, đến năm 2030 kết thúc đại dịch AIDS để HIV/AIDS không còn là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại của mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng, mỗi gia đình và người dân.

Theo chương trình, nội dung lớp tập huấn lần này gồm: cập nhật tình hình dịch HIV/AIDS; một số kiến thức cơ bản về HIV/AIDS, các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV và dự phòng lây nhiễm HIV; cập nhật kiến thức về chăm sóc và điều trị, dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone...

Ngọc Thư  

 

Tin xem nhiều