Báo Đồng Nai điện tử
En

Quy định rõ tỷ lệ đại biểu cơ quan dân cử là nữ, dân tộc thiểu số

10:06, 03/06/2015

Sáng 3/6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hàng hải Việt Nam và thảo luận một số nội dung của dự thảo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội...

Sáng 3/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hàng hải Việt Nam và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Hữu Đức phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Hữu Đức phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)
[links()]Thúc đẩy phát triển, hội nhập của hệ thống cảng biển

Trình bày về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hàng hải Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho biết mặc dù Bộ luật 2005 đã được soạn thảo công phu nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện Bộ Luật hàng hải Việt Nam vẫn còn nhiều điều, khoản mang tính chất khung; cần phải có các văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể, chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của Nghị quyết số 48/NQ-TW của Bộ Chính trị khi xác định hạn chế việc sử dụng các văn bản dưới Luật để triển khai Luật vào thực tiễn.

Hiện nay đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành có quy định mới liên quan đến quản lý hoạt động hàng hải nên cần xây dựng một Bộ luật mới thay thế cho Bộ luật 2005 tạo sự phù hợp, thống nhất.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hàng hải Việt Nam để đáp ứng yêu cầu và tạo điều kiện thúc đẩy phát triển, hội nhập của hệ thống cảng biển Việt Nam theo hướng quy mô lớn, hiện đại và bảo đảm tốt nhu cầu lưu thông hàng hóa, hành khách trong nước, với nước ngoài. Đồng thời bảo đảm tính phù hợp, thống nhất với Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành thuộc hệ thống pháp luật Việt Nam; phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Đặc biệt nội dung sửa đổi, bổ sung Luật đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh và nhu cầu đi lại của nhân dân, đặc biệt chú ý đến cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động giao thông hàng hải; g óp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên biển.

Trong tổng số 261 Điều của Bộ luật năm 2005, dự thảo Luật đã bổ sung 108 Điều, sửa đổi 107 Điều, nâng tổng số điều của dự thảo Luật đến thời điểm hiện tại là 366 Điều.

Thời gian còn lại của buổi làm việc sáng nay, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Quy định cụ thể về tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu cơ quan dân cử

Thảo luận về dự kiến cơ cấu, số lượng người được giới thiệu ứng cử, nhiều ý kiến đề nghị quy định cụ thể về cơ cấu, thành phần và tỷ lệ phân bổ đại biểu là phụ nữ, người dân tộc thiểu số, đại biểu tái cử, người trẻ tuổi ngay trong Luật chứ không nên quy định có “số lượng thích đáng” như hiện nay.

Rất nhiều ý kiến đánh giá đây là quy định mang tính định tính, chung chung, khó áp dụng trong thực tế. Đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ), Nguyễn Văn Minh (Thành phố Hồ Chí Minh) và nhiều ý kiến đại biểu khác đề nghị cần quy định “cứng” luôn tỷ lệ phân bổ đại biểu là phụ nữ, người dân tộc thiểu số trong dự luật, tránh gây khó khăn trong quá trình triển khai.

Cũng tán thành với việc cần quy định cụ thể tỷ lệ, không nên quy định có “số lượng thích đáng” như hiện nay, đại biểu Nguyễn Hữu Đức (Đồng Tháp), Âu Thị Mai (Tuyên Quang) và Nông Thị Lâm (Lạng Sơn) cho rằng riêng tỷ lệ phân bổ đại biểu là người dân tộc thiểu số cần nghiên cứu, quy định để đảm bảo tỷ lệ người dân tộc thiểu số tương ứng với tỷ lệ người dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Làm rõ hơn về nội dung này Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết việc bảo đảm cơ cấu, thành phần hợp lý đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân là yêu cầu khách quan, cần thiết và là yếu tố quyết định tính chất, chất lượng hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân sau này. Tuy nhiên, việc dự kiến cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải căn cứ vào tiêu chuẩn, đồng thời cần quan tâm đến tình hình, yêu cầu cụ thể của từng giai đoạn, từng địa phương, đặc biệt là phải đáp ứng được yêu cầu của công tác cán bộ.

Thực tiễn cũng cho thấy tại mỗi nhiệm kỳ Quốc hội, Hội đồng nhân dân, nhiệm vụ chính trị của đất nước, của địa phương lại có những yêu cầu, đặc điểm khác nhau, từ đó đòi hỏi cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân của mỗi khóa cũng phải có sự đổi mới để đáp ứng tốt hơn yêu cầu về chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, Hội đồng nhân dân.

Bên cạnh đó, kết quả bầu cử chủ yếu lại phụ thuộc vào lá phiếu thể hiện sự tín nhiệm của cử tri đối với từng ứng cử viên. Do vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý nội dung này theo hướng chỉ quy định về việc Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến số lượng người của cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội để bảo đảm tỷ lệ đại diện hợp lý của các tầng lớp nhân dân trong Quốc hội; dự kiến số lượng người dân tộc thiểu số, số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội nhưng phải bảo đảm để ít nhất là 18% tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số, ít nhất là 35% tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ (Điều 8); trên cơ sở đó, cử tri sẽ cân nhắc, lựa chọn những người đại diện xứng đáng cho mình. Đồng thời, quy định việc dự kiến cơ cấu, thành phần người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Xung quanh quy định nguyên tắc và trình tự bầu cử, kết quả bầu cử, về điều kiện kết thúc bỏ phiếu sớm (Điều 71), đại biểu Nguyễn Văn Minh và một số ý kiến khác đề nghị cần có quy định linh hoạt hơn về thời gian kết thúc việc bỏ phiếu. Đối với những khu vực bỏ phiếu đã có đủ 100% cử tri đi bầu thì cho phép được đóng hòm phiếu, kết thúc việc bỏ phiếu trước thời gian luật định.

Về vấn đề này, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng quy định về kết thúc sớm việc bỏ phiếu trong ngày bầu cử tuy có thể tiết kiệm thời gian, công sức ở một số khu vực bỏ phiếu (nhất là khu vực bỏ phiếu ở đơn vị vũ trang nhân dân, ở các trường học hay địa bàn dân cư tập trung) nhưng sẽ dễ dẫn đến việc thúc ép cử tri đi bầu cử sớm hoặc làm gia tăng tình trạng bầu hộ, bầu thay, ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền bầu cử của công dân.

Mặt khác, việc kết thúc bỏ phiếu và tiến hành kiểm phiếu sớm tại khu vực bỏ phiếu này có thể sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả bầu cử tại các khu vực bỏ phiếu khác. Vì thế đề nghị cho giữ quy định về thời gian bầu cử như trong luật bầu cử hiện hành.

Một số ý kiến đề nghị trong trường hợp nhiều người được số phiếu bằng nhau, thay vì quy định ưu tiên người nhiều tuổi hơn trúng cử như Điều 78 của dự thảo Luật thì nên ưu tiên phụ nữ hoặc người ít tuổi hơn, người có trình độ chuyên môn, hoặc người dân tộc thiểu số trúng cử.

Vấn đề này Ủy ban thường vụ Quốc hội có quan điểm quy định về nguyên tắc ưu tiên người nhiều tuổi hơn để xác định người trúng cử tại Điều 78 của dự thảo Luật là sự kế thừa quy định của các văn bản Luật bầu cử từ trước đến nay. Đây là một thông lệ đã được thừa nhận rộng rãi và thực hiện ổn định qua nhiều năm. Do đó, đề nghị cho giữ quy định về nguyên tắc ưu tiên xác định người trúng cử như trong luật bầu cử hiện hành.

Về tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu, Điều 3 dự thảo quy định: “Người ứng cử đại biểu Quốc hội phải đáp ứng các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội quy định tại Luật tổ chức Quốc hội. Người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân phải đáp ứng các tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân quy định tại Luật tổ chức chính quyền địa phương.”

Qua thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể về tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu ở trong dự thảo Luật nhằm nâng cao chất lượng đại biểu. Đại biểu Đỗ Văn Đương (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng nội dung này quy định ngay trong dự thảo luật sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cử tri, “cử tri không cần mua đến 3,4 quyển luật để biết được quyền của mình.”

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cũng đã cho ý kiến cụ thể về tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu; Hội đồng bầu cử quốc gia và các tổ chức phụ trách bầu cử; điều kiện thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân...

Theo chương trình, buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về hai dự án Luật Trưng cầu ý dân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hàng hải Việt Nam./.
(TTXVN/VIETNAM+)

 

Tin xem nhiều