Báo Đồng Nai điện tử
En

Tạo nền tảng cho doanh nghiệp trong nước hội nhập sâu rộng

09:06, 09/06/2015

Vấn đề phát triển sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ ngư dân đóng tàu vươn khơi và bảo vệ chủ quyền biển đảo, tạo nền tảng cho doanh nghiệp trong nước hội nhập sâu rộng… là những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận tại phiên thảo luận chiều 8/6 về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2014; những tháng đầu năm nay.

Vấn đề phát triển sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ ngư dân đóng tàu vươn khơi và bảo vệ chủ quyền biển đảo, tạo nền tảng cho doanh nghiệp trong nước hội nhập sâu rộng… là những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận tại phiên thảo luận chiều 8/6 về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2014; những tháng đầu năm nay.
Đại biểu Hà Minh Huệ, tỉnh Bình Thuận phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)
Đại biểu Hà Minh Huệ, tỉnh Bình Thuận phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)
[links()]Giải bài toán được mùa mất giá
“Làm ra chục ký hành tím không đổi được bát phở thì cay mắt lắm,” câu nói của một cử tri Sóc Trăng được đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) chuyển đến Quốc hội là sự định lượng rõ ràng về hiệu quả của sản xuất nông nghiệp, khi những lo ngại về việc được mùa mất giá, được giá mất mùa luôn đeo đẳng nông dân.

Chung nỗi băn khoăn này, đại biểu Hà Minh Huệ (Bình Thuận) cho rằng nông sản thu hoạch chưa có đầu ra ổn định, hành tím, vải thiều, dưa hấu, thanh long… luôn trong tình trạng được mùa, mất giá. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do công tác phát triển nông nghiệp, bảo quản, chế biến nông sản, tìm kiếm đầu ra, xuất khẩu chưa được quan tâm đúng mức, chưa có chiến lược lâu dài.

Đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng tổ chức hội thảo chuyên đề về sản xuất nông nghiệp, có giải pháp căn cơ, tránh bài học "biết rồi, khổ lắm, nói mãi."

Còn đại biểu Hà Minh Huệ cho rằng đã đến lúc Chính phủ cần quan tâm hơn đến việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, tạo ra nhiều giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh với các nước láng giềng.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) kiến nghị Quốc hội có nghị quyết chuyên đề về lĩnh vực nông nghiệp, giúp nông nghiệp phát triển bền vững. Cùng với đó thực hiện giám sát tái cơ cấu nông nghiệp có hiệu quả hơn, trong đó cần lưu ý xác định công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tri thức hóa nền nông nghiệp Việt Nam là ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn ngắn hạn và trung hạn, tiếp tục ưu tiên đầu tư công cho nông nghiệp nông thôn, rà soát lại quy hoạch vùng cho phù hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội từng địa phương.

Đưa ra những con số phân tích khá kỹ càng tổng hợp qua những đợt đi khảo sát thực tế về tình hình hợp tác xã và tổ hợp tác tại nhiều địa phương trong cả nước, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận về 4 bất cập tồn tại kéo dài của nền nông nghiệp. Đó là hiện tượng được mùa mất giá năm nào cũng xảy ra; thiếu vốn là hiện tượng thường xuyên với hầu hết các hộ nông dân; thu nhập bình quân của nông dân chỉ bằng 1/3 thu nhập của người lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ; xuất khẩu nông sản không ổn định, giá cả, chất lượng bị động.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, chừng nào nền sản xuất nông nghiệp vẫn còn chủ yếu là các hộ đơn lẻ, không liên kết, 10 triệu hộ nông dân vẫn mãi là 10 triệu hộ yếu thế và các đòi hỏi rất hợp lý về sản xuất nông nghiệp và các chính sách tín dụng, đào tạo nông dân, liên kết các nhà khoa học sẽ rất khó thực thi.

Ông Nguyễn Thiện Nhân đưa ra một giải pháp, đó là hình thành các hợp tác xã kiểu mới theo Luật hợp tác xã năm 2012 như một số địa phương đã triển khai khá hiệu quả trong thời gian qua. Đẩy mạnh hình thành hợp tác xã kiểu mới là yếu tố nền tảng quan trọng nhất, khâu đột phá để tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao sự cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam và nâng cao thu nhập bền vững cho nông dân Việt Nam, ông Nguyễn Thiện Nhân nhận định.

Cũng liên quan đến vấn đề sản xuất nông nghiệp, đại biểu Hà Minh Huệ đề nghị Chính phủ chỉ đạo sâu sát ngăn chặn việc thương lái nước ngoài thao túng thị trường trong nước, tạo ra những hiện tượng khó tin như: mua cam non, rễ cây hồ tiêu, lá điều, đỉa. Cho rằng dư luận đã cảnh báo nhiều đến mánh lới kiếm tiền của các thương lái mà nạn nhân cuối cùng là người nông dân và sự mất mát lâu dài của nền kinh tế tự phát, nhưng vấn nạn này vẫn tái diễn, đại biểu đặt câu hỏi: có phải người nông dân vật lộn mưu sinh với cuộc sống bấp bênh mà sẵn sàng vì cái lợi trước mắt?

Điều chỉnh chính sách hỗ trợ ngư dân

Làm rõ nội dung đại biểu Hà Minh Huệ (Bình Thuận) quan tâm về việc thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản còn chậm, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết: khi Quốc hội phê duyệt nguồn chi cho chương trình từ ngày 16/5/2014, ngày 7/7/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Việc ban hành nghị định nhanh đã thể hiện sự cố gắng lớn của Chính phủ và các bộ ngành, sự tham gia tích cực của chính quyền địa phương

Mục tiêu của Nghị định 67/2014/NĐ-CP là khuyến khích ngư dân bám biển trên cơ sở thúc đẩy tổ chức lại nghề cá, giúp người dân ra khơi bám biển, tăng thu nhập cho ngư dân, tăng cường bảo vệ chủ quyền, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Mục tiêu này cũng phù hợp với Chiến lược Biển tới năm 2020, đưa nước ta thành nước mạnh về biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền biển. Đây là chủ trương được Đảng, Nhà nước quan tâm, thực hiện trong nhiều năm. Nghị định 67/2014/NĐ-CP được thiết kế khá đồng bộ, toàn diện trên các mặt: Định hướng đầu tư hạ tầng nghề cá một cách đồng bộ, kể cả các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão; khuyến khích lại tổ chức sản xuất, phát triển hậu cần dịch vụ nghề cá để tạo cú hích, tạo chuyển biến vượt bậc đánh bắt xa bờ. Nghị định đã tạo cú hích hướng đến sự chuyển biến trong lĩnh vực này, Phó Thủ tướng khẳng định.

Phó Thủ tướng dẫn chứng: tính đến ngày 21/5 vừa qua, tại 28 địa phương có biển đã đăng ký đóng mới, nâng cấp 648 con tàu. Trong số này, tàu vỏ thép, vật liệu mới xấp xỉ một nửa; tàu trên 800CV chiếm gần 60%; tàu dịch vụ hậu cần nghề cá là 78 chiếc.

Chính sách đi đúng hướng vì người dân đăng ký đóng nhiều tàu vỏ thép, tàu công suất lớn chiếm trên 50%. Trong số tàu đăng ký, ngư dân và ngân hàng đã ký hợp đồng được 52 tàu, với tổng số tiền là 525 tỷ đồng. Hiện cả nước đã giải ngân 100 tỷ đồng, trong đó 10 tàu giải ngân trên 50% và 2 tàu đã giải ngân xong. Thời gian đóng tàu công suất lớn, tàu vỏ thép từ 7 tháng tới 1 năm.

Từ khi Nghị định có hiệu lực từ cuối tháng 8/2014 tới tháng Năm vừa qua là xấp xỉ 9 tháng đã có gần 10 con tàu được đóng rồi. Tiến độ thực hiện như vậy không phải là quá chậm.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nêu rõ: trong quá trình thực hiện, Chính phủ luôn lắng nghe ý kiến ngư dân, chính quyền địa phương và các đại biểu Quốc hội để điều chỉnh chính sách phù hợp hơn với thực tiễn.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng Năm vừa qua cũng đã thảo luận về vấn đề này. Theo đó, Chính phủ sẽ điều chỉnh Nghị định 67 theo hướng cho phép ngư dân dùng máy cũ từ 400CV trở lên; giao các bộ nghiên cứu kéo dài thời gian cho vay với tàu vỏ thép và tàu vật liệu mới vì giá trị loại tàu này đắt hơn nhiều tàu vỏ gỗ; đồng ý hỗ trợ tàu vỏ gỗ, công suất lớn từ 800CV trở lên và giao cho địa phương thực hiện.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, từ các góp ý của đại biểu Quốc hội, của ngư dân, Chính phủ luôn nghiên cứu xác đáng các ý kiến, cùng với sự triển khai sát sao của các địa phương, Nghị định sẽ đạt kết quả tốt hơn.

Thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu quan tâm đến việc tỷ trọng khu vực kinh tế trong nước sụt giảm trong khi khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng lên, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế bền vững. Điều này dẫn đến nhiều doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó khăn trong giai đoạn hội nhập sâu rộng.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, chính sách thu hút các dự án FDI là cần thiết nhưng cần tính toán ở liều lượng hợp lý. Thực tế cho thấy xu hướng gia tăng ưu đãi để thu hút các dự án FDI đã hiện hữu trong nhiều năm, đặc biệt sau khi tiến hành phân cấp quản lý lĩnh vực FDI từ năm 2013 trở lại đây, khi các dự án lớn có quy mô lớn vào Việt Nam, xu hướng ưu đãi ngày càng rõ.

Trong năm 2014 có xu hướng ưu đãi hơn. Đại biểu kiến nghị Chính phủ cần đẩy mạnh hơn nữa chính sách về cải cách thuế, đồng thời tập trung các chính sách ưu tiên hơn, cải thiện nền tảng kinh tế vi mô, đổi mới hệ thống thể chế kinh tế cho một nền kinh tế thị trường hiện đại, xây dựng một môi trường khuyến khích cạnh tranh lành mạnh. Đây cũng là ý kiến của các đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh), Trương Văn Vở (Đồng Nai).

Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể vực dậy doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đặc biệt trong điều kiện khó khăn hiện nay, sức cạnh tranh của doanh nghiệp rất kém, Chính phủ cần sớm có biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn trung và dài hạn với lãi suất thấp, ổn định trong thời gian từ 5-10 năm để giúp doanh nghiệp mua sắm máy móc, thiết bị, trang bị công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đứng vững trong xu thế hội nhập.

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định: Việt Nam đang tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, trong đó vấn đề về doanh nghiệp Việt Nam là điều rất trăn trở.

Theo đại biểu không nên phê phán việc ưu đãi đối với khu vực FDI bởi Việt Nam cũng như nhiều nước khác đều mong muốn thu hút đầu tư của nước ngoài. Việc đưa doanh nghiệp trong nước phát triển là điều Chính phủ, Quốc hội mong muốn nhưng không cho doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam hoặc hạn chế tối đa hoạt động của khu vực này nền kinh tế nước ta sẽ gặp nhiều khó khăn. Khu vực này đang cung cấp lượng đầu tư vào Việt Nam nhiều; giải quyết hàng trăm nghìn lao động mỗi năm...

Thể hiện sự đồng tình với các đại biểu Quốc hội là cần quan tâm phát triển đội ngũ doanh nghiệp trong nước, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nêu rõ: Nhiều doanh nghiệp FDI muốn doanh nghiệp Việt Nam phát triển bởi nếu đội ngũ này không phát triển, việc đầu tư vào Việt Nam sẽ không hiệu quả.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất, xây dựng dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ để trình Chính phủ trình Quốc hội. Quốc hội cũng đã bổ sung dự án này vào dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội khóa XIII, dự kiến thông qua trong năm 2016. Hiện, doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam chiếm 90-95% số doanh nghiệp cả nước. Việc xây dựng luật mang tính đồng bộ, toàn diện sẽ là nền tảng để hỗ trợ, phát triển đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam.

Bộ trưởng nhấn mạnh trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay, nhiều nước sẵn sàng mở cửa để Việt Nam xuất khẩu hàng hóa vào nước họ. Tuy nhiên, các thị trường này cũng đòi hỏi các các sản phẩm của ta cần làm một cách nghiêm túc, có chất lượng cao. Đây là thách thức đối với Việt Nam.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để doanh nghiệp Việt Nam thấy được cơ hội cũng như thách thức đang đặt ra. Chính phủ, Quốc hội và cả doanh nghiệp Việt Nam cần vào cuộc để có thể tận dụng thời cơ cũng như thách thức này.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục quyết liệt hơn nữa trong hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, bộ máy hành chính, con người hành chính, phát triển du lịch xứng với tiềm năng thế mạnh sẵn có.

Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cũng đã giải trình rõ thêm ý kiến của các đại biểu về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy du lịch phát triển.

Nhận có phần trách nhiệm cá nhân trong việc để xảy ra tình trạng "chặt chém, ăn chặn" của khách tại một số điểm du lịch trong thời gian qua, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho rằng, phát triển du lịch cần có sự ra tay của các cấp, các ngành, của chính quyền địa phương; đồng thời kiến nghị Quốc hội ủng hộ Chính phủ về chủ trương miễn thị thực đơn phương cho một số nước

Bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ

Trước tình hình Biển Đông đang có những diễn biến ngày càng phức tạp, Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo quy mô lớn, thay đổi thực trạng, xâm phạm chủ quyền Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, các đại biểu khẳng định, người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và các quyết sách đã và đang thực hiện cho tới nay.

Đây là cuộc đấu tranh lâu dài, đòi hỏi nhân dân cả nước đoàn kết một lòng, đồng tâm nhất trí xây dựng tiềm lực quốc gia để bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đảm bảo hòa bình, ổn định và phát triển...

Trước hết yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hoạt động xây dựng trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nghiêm túc tuân thủ và thực thi pháp luật quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc năm 1982, cũng như Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không làm phức tạp thêm tình hình.

Bên cạnh đó, Việt Nam tăng cường đấu tranh ngăn chặn các hành vi phi nghĩa của Trung Quốc ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình./.

(TTXVN/VIETNAM+)

Tin xem nhiều