Báo Đồng Nai điện tử
En

Thảo luận giao kiểm ngư, cơ quan thuế thực hiện điều tra

10:06, 02/06/2015

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, chiều 2/6, các đại biểu đã làm việc tại tổ, thảo luận hai dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật Tạm giữ, tạm giam.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, chiều 2/6, các đại biểu đã làm việc tại tổ, thảo luận hai dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật Tạm giữ, tạm giam.
Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Xuân Thảo phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)
Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Xuân Thảo phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)
Qua thảo luận, cơ bản các ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật Tạm giữ, tạm giam như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Về quy định bổ sung trong dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự: Kiểm ngư, cơ quan Thuế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, có hai loại ý kiến khác nhau.

Các đại biểu Ngô Thị Minh (đoàn Quảng Ninh), Bùi Mậu Quân (đoàn Hải Dương) và một số đại biểu khác đề nghị giữ nguyên như quy định của pháp luật hiện hành về các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Đại biểu Bùi Mậu Quân cho rằng các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hiện nay rất thông suốt, trừ trường hợp một số ngành, lĩnh vực mà công an gặp khó khăn, nhưng cơ quan khác làm tốt hơn thì có thể bổ sung, nếu chỉ bổ sung ba cơ quan này thì còn nhiều cơ quan khác.

Ví dụ, Llnh vực tài nguyên môi trường, an ninh mạng... hiện nay cũng rất nhiều loại tội phạm liên quan. Nếu bổ sung thêm các cơ quan đó sẽ làm tăng đầu mối cơ quan điều tra, mà điều này lại không đúng với tinh thần cải cách là thu gọn đầu mối. Mặt khác, nếu các cơ quan Kiểm ngư, cơ quan Thuế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiến hành điều tra thì lại sinh ra điều tra viên và một loạt hoạt động tố tụng khác đi theo, trong khi cơ quan công an hiện nay vẫn đảm bảo được chức năng này.

Đại biểu Bùi Mậu Quân cũng cho rằng khi phát hiện trên các lĩnh vực thuế, chứng khoán nhà nước, kiểm ngư, kể cả những lĩnh vực khác thấy vi phạm thì hoàn toàn các đơn vị thanh tra của các cơ quan này có thể phát hiện và giao cho cơ quan công an điều tra. “Tránh tình trạng họ điều tra ban đầu, thậm chí khởi tố vụ án, khởi tố bị can rồi chuyển sang công an tiếp tục làm, có khi phải làm lại từ đầu sẽ khó khăn cho cơ quan điều tra," Đại biểu Bùi Mậu Quân đề nghị giữ nguyên như quy định hiện nay về các cơ quan điều tra và không bổ sung thêm ba cơ quan đó.

Các đại biểu Lê Đình Khanh (đoàn Hải Dương), Đặng Thuần Phong (đoàn Bến Tre), Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) cho rằng đây là những cơ quan thuộc các lĩnh vực đặc thù có số vụ vi phạm pháp luật ngày càng gia tăng, phức tạp, với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Do đó, các đại biểu này đề nghị bổ sung quy định Kiểm ngư, cơ quan Thuế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Theo đại biểu Thuyền, các cơ quan đó là những lực lượng trực tiếp làm những vụ liên quan đến công việc chuyên môn. Đặc biệt, hiện nay diễn ra tình trạng trốn và nợ đọng thuế rất nhiều. Vì vậy, giao cho cơ quan Thuế điều tra ban đầu rồi chuyển sang các cơ quan điều tra chuyên môn là hết sức cần thiết.

Hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng là một cơ quan chuyên ngành sâu và hoạt động chứng khoán bây giờ cũng rất phức tạp, do đó cần thiết bổ sung Ủy ban Chứng khoán Nhà nước làm công tác điều tra ban đầu. Hay đối với lực lượng Kiểm ngư, mặc dù có Cảnh sát biển, nhưng mỗi đơn vị có chức năng, nhiệm vụ khác nhau.

"Bổ sung thêm ba cơ quan này tham gia điều tra ban đầu không ảnh hưởng đến quyền hạn của cơ quan điều tra Công an, Viện kiểm sát, mà góp phần tăng thêm trách nhiệm, làm cơ sở phát hiện thêm nhiều tội phạm trong lĩnh vực Kiểm ngư, Thuế và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước," đại biểu Thuyền nhấn mạnh.

Các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến cụ thể về nhiều nội dung khác của dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, như về cán bộ điều tra; bảo đảm sự phối hợp, kiểm soát giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát; trách nhiệm của Công an xã, phường, thị trấn, đồn Công an.

Trong buổi làm việc tại tổ chiều 2/6, các đại biểu đã thảo luận, góp ý về dự án Luật Tạm giữ, tạm giam. Các đại biểu cho rằng, để tăng cường công tác chống bức cung, nhục hình, cần quy định ngay trong Luật việc thiết kế hệ thống các phòng hỏi cung, hình thức giám sát, kiểm tra, kiểm sát việc hỏi cung của người quản lý tạm giữ, tạm giam; trách nhiệm của nhà tạm giam, tạm giữ khi để xảy ra bức cung, nhục hình trong giai đoạn tạm giam, tạm giữ. Các đại biểu cũng đề nghị cần xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền trong Luật Tạm giữ, tạm giam.

Góp ý cụ thể về việc xây dựng nhà tạm giữ, tạm giam, đại biểu Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) cho rằng buồng tạm giam phải có khóa và phương tiện kiểm soát an ninh; đồng thời phải có ánh sáng để đảm bảo sức khỏe cho người bị tạm giữ, tạm giam.

Cũng thảo luận về dự án Luật Tạm giữ, tạm giam, một số đại biểu đề nghị cần xác định rõ mô hình hệ thống các cơ quan quản lý nhà tạm giữ, trại tạm giam; cần quy định cụ thể cả về quyền hạn và trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của các chủ thể thực hiện quản lý đối với người bị tạm giữ, tạm giam trong việc bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người bị tạm giữ, tạm giam.

Theo chương trình, sáng 3/6, các đại biểu làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam; thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân./.

(TTXVN/VIETNAM+)

Tin xem nhiều