Báo Đồng Nai điện tử
En

Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em

05:09, 14/09/2015

(ĐN)- Chiều 14-9, Sở LĐTB-XH đã họp với các sở, ngành, Ủy ban MTTQ tỉnh và các đoàn thể có liên quan, nhằm góp ý hoàn thiện Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016-2020...

(ĐN)- Chiều 14-9, bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội (LĐTB-XH) đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành, Ủy ban MTTQ tỉnh và các đoàn thể có liên quan, nhằm góp ý hoàn thiện Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016-2020 (gọi tắt là chương trình) của Bộ LĐTB-XH trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đại biểu tham gia góp ý dự thảo chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016-2020
Đại biểu tham gia góp ý dự thảo chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016-2020

Tại cuộc họp, hầu hết các đại biểu đều cho rằng, Chương trình mang ý nghĩa thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội về vấn đề lao động trẻ em; hoàn thiện luật pháp, chính sách về phòng ngừa và trợ giúp lao động trẻ em; thực hiện mạnh mẽ cam kết quốc tế về xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất vào năm 2016 và giảm thiểu lao động trẻ em vào năm 2020.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, chương trình này cần phải được tiếp tục nghiên cứu và làm rõ hơn cụm từ “lao động trẻ em”; các mục tiêu cụ thể, các hoạt động, dự toán kinh phí, chế độ phụ cấp đối với cán bộ, cộng tác viên ở địa bàn ấp, khu phố. Có đại biểu cho rằng, cần chú trọng đến việc hoàn thiện các chính sách, pháp luật về lao động trẻ em để làm căn cứ xử lý nghiêm các hành vi sử dụng lao động trẻ em. Ngoài việc đề ra lộ trình thực hiện phù hợp, ban soạn thảo chương trình cần xác định rõ mối quan hệ của chương trình này với các chương trình, chính sách khác về bảo vệ, chăm sóc trẻ em để có biện pháp lồng ghép hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện.

Dự thảo chương trình nêu rõ, trong thời gian qua, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát năm 2012, cả nước vẫn còn 1,7 triệu lao động trẻ em từ 5-17 tuổi. Vấn đề lao động trẻ em không chỉ làm ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ mà còn tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội, nguồn nhân lực, an ninh trật tự. Đặc biệt là lao động trẻ em sẽ tạo ra thách thức lớn trong hội nhập quốc tế nói chung và trong thực hiện các hiệp định thương mại tự do, trong các đối thoại và diễn đàn khu vực, quốc tế…

Nga Sơn

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích