Ngày 9-11, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tạm giữ, tạm giam, nhiều đại biểu cho rằng, cần phải bảo đảm quyền của người bị tạm giam, tạm giữ để không bị bức cung, nhục hình, tự sát hoặc bị đánh chết trong nhà tạm giữ, trại tạm giam...
Ngày 9-11, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tạm giữ, tạm giam, nhiều đại biểu cho rằng, cần phải bảo đảm quyền của người bị tạm giam, tạm giữ để không bị bức cung, nhục hình, tự sát hoặc bị đánh chết trong nhà tạm giữ, trại tạm giam...
Đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) phát biểu tại hội trường sáng 9-11. Ảnh: Thanh tra |
Đề nghị lấy tên là Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam
Nhiều đại biểu đề nghị lấy tên là Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam cho phù hợp với phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, tránh việc hiểu luật này điều chỉnh cả các nội dung về thẩm quyền, điều kiện, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp tạm giữ, tạm giam đã được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự. Các đại biểu cho rằng: Tên gọi như vậy là phù hợp với phạm vi điều chỉnh của luật. Dự án luật chỉ quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục tạm giữ, tạm giam; quyền, nghĩa vụ, chế độ của người bị tạm giữ, tạm giam; quyền hạn, nhiệm vụ của cơ quan thực hiện việc tạm giữ, tạm giam…
Tiếp thu ý kiến các đại biểu, để bảo đảm phù hợp với phạm vi điều chỉnh của dự án luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị lấy tên gọi là Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.
Đảm bảo quyền con người, quyền công dân không bị xâm hại
Đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) đề nghị cần xem lại quy định theo hướng cụ thể về quyền và nghĩa vụ của hai nhóm đối tượng là người chưa có tội và người có tội. Như vậy mới đảm bảo quyền con người, quyền công dân không bị xâm hại và phù hợp với bố cục của các chương, điều khác trong dự thảo luật.
Cùng quan điểm, đại biểu Lê Minh Hiền (Khánh Hòa) đặt vấn đề, Quốc hội đã yêu cầu Bộ Công an không để xảy ra chết do tự sát, chết do can phạm đánh nhau tại cơ sở giam giữ và làm rõ trách nhiệm của cán bộ. Nhưng thời gian gần đây, vẫn xảy ra nhiều vụ việc người bị tạm giữ, tạm giam tự sát hoặc bị đánh chết trong nhà tạm giữ, tạm giam. Điều này xâm phạm nghiêm trọng đến quyền con người, quyền công dân, ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Đánh giá nạn bức cung, mớm cung, nhục hình, chết trong trại tạm giữ, tạm giam đang có biểu hiện gia tăng về số lượng và mức độ nghiêm trọng, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) đề nghị luật cần tạo tiền đề hành lang pháp lý để khắc phục tình trạng vi phạm quyền con người, quyền công dân trong việc tạm giữ, tạm giam.
“Tách” trại tạm giam, nhà tạm giữ khỏi công an cấp tỉnh, cấp huyện
Liên quan đến hệ thống tổ chức cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, nhiều ý kiến đề nghị cần tổ chức lại Nhà tạm giữ, Trại tạm giam theo hệ thống dọc do Bộ Công an quản lý từ trung ương tới địa phương. Một số đại biểu đề nghị cần giao 4 trại tạm giam thuộc Bộ Công an về cho Cơ quan Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Bộ Công an quản lý.
“Cần thiết phải tách việc quản lý nhà tạm giữ, trại tạm giam ra khỏi cơ quan điều tra hình sự, cơ quan công an cấp tỉnh, cấp huyện để bảo đảm khách quan, tránh việc cơ quan điều tra hình sự cùng cấp lạm dụng bức cung, dùng nhục hình trong quá trình điều tra, xác minh”, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nói và đề nghị “tổ chức theo hệ thống mô hình dọc, giao công tác tổ chức, quản lý giam giữ cho Tổng cục Thi hành án Hình sự và hỗ trợ tư pháp thuộc Bộ Công an quản lý, chỉ đạo nghiệp vụ”.
Trong ngày Quốc hội cũng đã nghe báo cáo tổng kết và thảo luận ở tổ về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23-11-2012 của Quốc hội và dự thảo Nghị quyết về thực hiện chế định Thừa phát lại.
Ngày 10-11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004-2014. Nội dung quan trọng này sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi. |
L.V (tổng hợp)