Ngày 16-11, lần đầu tiên Quốc hội chất vấn theo cách thức mới: không đi theo nhóm vấn đề, không hỏi lần lượt các "tư lệnh" ngành và tất cả thành viên Chính phủ đều phải có mặt để sẵn sàng trả lời bất cứ lúc nào.
Ngày 16-11, lần đầu tiên Quốc hội chất vấn theo cách thức mới: không đi theo nhóm vấn đề, không hỏi lần lượt các “tư lệnh” ngành và tất cả thành viên Chính phủ đều phải có mặt để sẵn sàng trả lời bất cứ lúc nào.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội Trương Văn Vở. |
Cách làm này tạo tình huống đáng chú ý: có đại biểu chất vấn một lúc… 5 bộ trưởng, nhưng cũng có đại biểu chỉ “quay” một bộ trưởng với một vấn đề rất cụ thể mà đại biểu này bức xúc.
Cần xác định rõ tiêu chí doanh nghiệp công nghệ cao
Trả lời chất vấn của đại biểu Trương Văn Vở về tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” đã được đề cập nhiều lần nhưng tình hình chưa được cải thiện, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng “không phải thừa thầy, chúng tôi vẫn đang thiếu thầy, vẫn đang phải khuyến khích các trường đại học phải tăng cường giáo viên, các kỹ sư, tiến sĩ chúng ta cũng đang thiếu, chúng ta chỉ thừa người kém, thiếu thợ, nhưng là thiếu thợ giỏi”. Trước câu hỏi về tình trạng yếu kém các trung tâm dạy nghề của đại biểu Trương Văn Vở, Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cũng thừa nhận rằng, so với quy định thì việc triển khai trường nghề chất lượng cao còn chậm. Bộ đang chờ trình Chính phủ phê duyệt và dự kiến trong tháng 12-2015 sẽ có quy định về hướng dẫn quy trình đặt hàng dạy nghề. |
Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) “làm nóng” hội trường khi đề nghị 2 Bộ: Khoa học - công nghệ, Công thương giải trình về việc chậm cụ thể hóa các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ, kể cả việc điều chỉnh tiêu chí, phân cấp thẩm quyền, bộ, ngành địa phương về xác nhận doanh nghiệp công nghệ cao, đã và đang gây ách tắc, ảnh hưởng đến doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi.
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận việc áp dụng khoa học - công nghệ trong các sản phẩm công nghiệp chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Trong năm 2015 và thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục triển khai thực hiện một số giải pháp cụ thể, như: tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện cơ chế chính sách trong lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới công nghệ, trước mắt xem xét điều chỉnh các tiêu chí cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao để khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này, nhất là việc đưa các công nghệ tiên tiến thông qua các dự án đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam…
Chưa hài lòng với phần trả lời chất vấn, đại biểu Trương Văn Vở đề nghị làm rõ thêm các vấn đề: đổi mới khoa học - công nghệ, nhất là trong những lĩnh vực chưa đạt chỉ tiêu của nghị quyết Quốc hội; thẩm quyền xác nhận đạt doanh nghiệp công nghệ cao… Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng: trong lĩnh vực công nghệ cao, Chính phủ đã giao cho Bộ Khoa học - công nghệ làm đầu mối, phối hợp với Bộ Công thương. Cho nên, việc phân bổ vốn đầu tư cho những dự án thuộc chương trình công nghệ cao không thuộc thẩm quyền của Bộ. Bộ Công Thương không phải là cơ quan xét duyệt, cấp vốn cho các dự án đó.
Đối với tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận hiện việc xây dựng bộ tiêu chí còn chậm và có thể chưa phù hợp. Vì thế, Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Khoa học - công nghệ rà soát lại và sẽ trình Chính phủ xem xét, phê duyệt tiêu chí đối với doanh nghiệp công nghệ cao.
Còn Bộ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ Nguyễn Quân cho rằng hệ thống chính sách, luật pháp của nước ta chưa đồng bộ, vì thế, trong quá trình xây dựng chương trình đổi mới công nghệ quốc gia và Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, có những vướng mắc.
Lịch sử có còn là môn độc lập?
Đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) tập trung chất vấn trưởng Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận về đề án giáo dục phổ thông tổng thể, trong đó thay đổi cách giảng dạy bộ môn Lịch sử, từ môn học độc lập sang môn tích hợp.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định môn Lịch sử được coi trọng hơn so với chương trình hiện hành, đồng thời cho rằng sự tích hợp trên là do có chủ trương tích hợp và trong Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh có quy định giảng dạy về lịch sử giữ nước, lịch sử quốc phòng nên Ban soạn thảo dự kiến đưa vào để tránh trùng lắp.
“Chúng ta giảng về Hịch tướng sĩ, Bình Ngô Đại cáo, Tuyên ngôn độc lập, nếu không gắn với môn Lịch sử học sinh sẽ không hiểu được và không thể có rung động. Không phải chỉ Văn học mà Địa lý, Âm nhạc, Mỹ thuật cũng gắn kết, hỗ trợ với Lịch sử. Ví dụ dạy bài hát Câu hò bên bến Hiền Lương, Xa khơi, nếu không gắn với môn Lịch sử thì các cháu không hiểu, không rung động. Cho nên rất nhiều môn học khác nữa cũng sẽ làm nhiệm vụ giáo dục truyền thống, giáo dục, hỗ trợ cho môn Lịch sử” - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói thêm.
Sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhắc lại câu hỏi: “Theo Bộ trưởng, Lịch sử có còn là môn độc lập trong sách giáo khoa không?”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: “Hiện ban soạn thảo đang lắng nghe ý kiến rộng rãi của toàn dân. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ có thảo luận, tiếp thu. Chúng tôi dự kiến sẽ có báo cáo, làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Hội đồng Giáo dục quốc gia, Ủy ban Văn hóa, thanh thiếu niên nhi đồng và các Hội, sau đó sẽ báo cáo với Thủ tướng Chính phủ. Đây là chuyện rất hệ trọng. Quan điểm của chúng tôi là nếu phân tích thấy việc tích hợp làm nhẹ, không làm tăng được thì không tích hợp. Còn việc tích hợp thấy vẫn đảm bảo thì vẫn cho tích hợp”.
Đại biểu truy số liệu trồng rừng nhảy múa Trả lời câu hỏi chất vấn của các đại biểu: Trương Văn Vở (Đồng Nai), Tô Văn Tám (Kom Tum) về sự chênh lệch số liệu lớn về diện tích phải trồng rừng bù thay thế dự án thủy điện, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng giải thích: Có thể trong thời điểm thống kê giữa Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn có khác nhau; có thể do một số công trình kết hợp giữa thủy lợi và thủy điện, nhưng thủy lợi là chính, còn thủy điện chỉ hỗ trợ. Bộ Công thương sẽ rút kinh nghiệm và đảm bảo thống nhất các con số trong báo cáo về diện tích trồng rừng thay thế để phù hợp, đúng với thực tế. |
Lâm Viên (tổng hợp)