(ĐN) – Chiều 11-11, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã họp nhằm đóng góp ý kiến vào dự thảo kế hoạch phòng chống hạn, xâm nhập mặn mùa khô năm 2015-2016 và năm 2017-2020.
(ĐN) – Chiều 11-11, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã họp nhằm đóng góp ý kiến vào dự thảo kế hoạch phòng chống hạn, xâm nhập mặn mùa khô năm 2015-2016 và năm 2017-2020.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh chỉ đạo cuộc họp. Ảnh: B.Nguyên |
Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, giải pháp phòng chống hạn, xâm nhập mặn trong mùa khô tới là tập trung đầu tư kiên cố hóa kênh mương thủy lợi; áp dụng biện pháp tưới nước tiết kiệm; căn cứ điều kiện thực tế của từng vùng, địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất vụ đông xuân; xây dựng kế hoạch tưới và lịch phân phối nước cụ thể ở các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh; xây dựng kế hoạch đảm bảo nước cho chăn nuôi; công tác phòng chống cháy rừng…
Cũng theo kế hoạch, giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh sẽ đầu tư mới 38 công trình tưới tiêu phục vụ sản xuất. Trong đó, diện tích được cấp nước tăng thêm gần 16 ngàn hécta; cấp nước sinh hoạt, công nghiệp tăng thêm trên 51 ngàn m3/ngày. Tổng nguồn vốn đầu tư cho kế hoạch phát triển và bảo vệ rừng giai đoạn 2016-2020 trên 754 tỷ đồng.
Tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh yêu cầu các sở, ngành và địa phương cần xây dựng kế hoạch chi tiết, tập trung vào các nội dung: hạn, chống hạn; ngập mặn và chống ngập mặn; nguy cơ cháy rừng và chống cháy rừng… Từ đó, xác định nhiệm vụ phải làm trên từng địa bàn cụ thể, kèm theo những giải pháp để thực hiện. Phó chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, một trong những giải pháp quan trọng là tập trung công tác tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người dân để họ tham gia tìm giải pháp chống hạn; sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước…Trong kế hoạch cung cấp nước trong mùa cao điểm khô hạn, cần ưu tiên theo thứ tự: nước sinh hoạt, chăn nuôi, rồi đến cây trồng.
Bình Nguyên