Theo chương trình kỳ họp thứ 10, chiều 11/11, Quốc hội sẽ nghe Chính phủ trình dự án Luật tiếp cận thông tin. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nêu rõ dự thảo luật đã cụ thể hóa đầy đủ tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013 về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật khác có liên quan.
Quy hoạch đất đai là một trong những lĩnh vực cần đảm bảo quyền tiếp cận thông tin cho công dân. (Nguồn: TTXVN) |
Vì vậy, việc ban hành Luật tiếp cận thông tin là cần thiết để bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin với tư cách là quyền cơ bản của công dân có ý nghĩa làm tiền đề, điều kiện cho việc thực hiện các quyền tự do dân chủ khác của con người, của công dân mà Hiến pháp năm 2013 đã quy định, như quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, quyền bầu cử, ứng cử, quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân, quyền khiếu nại, quyền tố cáo, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí…
Nói rõ hơn về những vướng mắc, bất cập, Bộ trưởng cho biết: pháp luật hiện hành quy định chưa đầy đủ, chặt chẽ và thống nhất về bảo đảm quyền được thông tin của công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 1992 và quyền tiếp cận thông tin của công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013.
Qua rà soát pháp luật hiện hành về bảo đảm và thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân trong các lĩnh vực cho thấy, pháp luật chưa xác định rõ quyền tiếp cận thông tin và nội hàm của quyền tiếp cận thông tin; quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc tiếp cận thông tin; chưa thể hiện rõ tinh thần của Hiến pháp về trách nhiệm của Nhà nước trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân, cũng như các nguyên tắc, điều kiện hạn chế thực hiện quyền tiếp cận thông tin.
Một số văn bản dưới luật có quy định mang tính hạn chế quyền tiếp cận thông tin của công dân hoặc quy định hạn chế quyền tiếp cận thông tin không thuộc một trong các trường hợp được hạn chế theo quy định của khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013.
Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên quy định cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước (Điều 2), đồng thời xác định trách nhiệm giám sát nhà nước, giám sát và phản biện xã hội của cơ quan đại diện nhân dân (Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Bộ trưởng nêu rõ, điều này đòi hỏi phải tăng cường tính minh bạch, công khai trong hoạt động của các cơ quan nhà nước nói chung và Chính phủ, bộ máy hành chính nói riêng - đây được coi là yếu tố then chốt của quản trị nhà nước, là một biểu hiện của “tăng tính dân chủ và pháp quyền trong điều hành của Chính phủ” và là công cụ giúp phòng, chống tham nhũng, tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tăng trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước.
Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa quy định đầy đủ về cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước và giám sát của xã hội đối với việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân.
Đồng thời, pháp luật hiện hành quy định chưa rõ và chưa thống nhất về nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin; về cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin; về phương thức, hình thức, trình tự, thủ tục tiếp cận thông tin, do đó, chưa tạo cơ chế pháp lý đầy đủ, chặt chẽ nhằm bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân và trách nhiệm của Nhà nước trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân...
Đồng thời trên thực tế, nhu cầu thông tin của công dân đang ngày càng gia tăng, nhất là các thông tin liên quan trực tiếp đến việc thực hiện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân (như thông tin trong lĩnh vực quy hoạch đất đai, giao thông, xây dựng, đền bù, giải phóng mặt bằng).
Trong khi đó, việc công khai và cung cấp thông tin của các cơ quan nhà nước mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của người dân, chưa tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin một cách chủ động, nhanh chóng và thuận tiện...
Dự thảo Luật quy định về quyền tiếp cận thông tin của công dân; nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện quyền tiếp cận thông tin; nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân và quyền, nghĩa vụ của công dân trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin.
Dự thảo Luật không điều chỉnh việc cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan báo chí và nhà báo phục vụ hoạt động báo chí; việc cung cấp thông tin giữa các cơ quan nhà nước với nhau trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, giữa cơ quan nhà nước với các tổ chức trong hệ thống chính trị trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích của mình.
Việc tiếp cận các thông tin thuộc bí mật nhà nước, thông tin thuộc bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh, thông tin về sở hữu trí tuệ; thông tin trong các tài liệu, hồ sơ đã được chuyển sang cơ quan lưu trữ lịch sử; thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm toán; thông tin trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử được thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan.
Nhằm khắc phục tình trạng thực tế có những thông tin không chính xác, không đúng sự thật đã gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến trật tự và ổn định xã hội, dự thảo Luật quy định về xử lý thông tin không chính xác. Theo đó, trong trường hợp phát hiện thông tin không chính thức, không chính xác, không đầy đủ gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội thì cơ quan nhà nước trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm chủ động, kịp thời cung cấp thông tin do mình tạo ra (khoản 2 Điều 7).
Còn trong trường hợp phát hiện có nhiều cơ quan nhà nước cung cấp thông tin khác nhau về cùng một vấn đề thì cơ quan tạo ra thông tin có trách nhiệm khẳng định tính chính xác của thông tin do mình tạo ra (khoản 1 Điều 7).
Dự thảo Luật quy định các thông tin phải được công khai (bao gồm thông tin mà pháp luật quy định phải được công khai; thủ tục hành chính và quy trình giải quyết công việc của cơ quan có liên quan đến cá nhân, tổ chức; thông tin khác nếu xét thấy cần thiết, trừ trường hợp quy định tại các điểm a, b, e, g, h và i khoản 1 Điều 24 Luật này) nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin và giảm số lượng cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân.
Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể các hình thức, thời điểm công khai thông tin, trong đó có quy định về việc công khai thông tin trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử, trên phương tiện thông tin đại chúng, đăng Công báo, niêm yết. Việc quy định như vậy nhằm tăng cường trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc chủ động công khai các thông tin, từ đó sẽ giảm tải cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân, giảm chi phí hành chính cũng như chi phí tiếp cận thông tin cho người dân.
Để bảo đảm giữ bí mật thông tin mà pháp luật quy định phải được giữ bí mật, dự thảo Luật quy định trách nhiệm của cơ quan cung cấp thông tin trong việc kiểm tra trước khi công khai thông tin, nhằm tuân thủ các quy định của pháp luật về bí mật thông tin (khoản 2 Điều 14).
Thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân, dự thảo Luật quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc bố trí cán bộ đầu mối tiếp nhận và cung cấp thông tin; lập Danh mục thông tin phải được công khai, thông tin cung cấp theo yêu cầu; rà soát, phân loại, kiểm tra và bảo đảm tính bí mật của thông tin trước khi cung cấp…
Bộ Thông tin và Truyền thông giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn kỹ thuật các biện pháp và quy trình bảo vệ thông tin và bảo vệ các hệ thống quản lý thông tin. Bộ Tư pháp giúp Chính phủ theo dõi chung việc thi hành Luật này. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm quản lý nhà nước trên địa bàn, thi hành các biện pháp bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân theo hướng dẫn của Chính phủ.
Theo kế hoạch, dự thảo Luật tiếp cận thông tin sẽ được các đại biểu Quốc hội thảo luận lần đầu tại tổ vào chiều 14/11 và tại phiên toàn thể ở hội trường chiều 27/11./.
(TTXVN/VIETNAM+)