(ĐN)- Đến ngày 2-12, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Thống Nhất vẫn đang tích cực theo dõi và điều trị cho bệnh nhân Phạm Hồng Thái (34 tuổi, ngụ tại xã Phú Xuân, huyện Tân Phú) bị ngộ độc nặng do rắn lục đuôi đỏ cắn nhưng lại không đến bệnh viện cấp cứu ngay mà đi bó thuốc Nam ở một thầy lang tại địa phương.
(ĐN)- Đến ngày 2-12, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Thống Nhất vẫn đang tích cực theo dõi và điều trị cho bệnh nhân Phạm Hồng Thái (34 tuổi, ngụ tại xã Phú Xuân, huyện Tân Phú) bị ngộ độc nặng do rắn lục đuôi đỏ cắn nhưng lại không đến bệnh viện cấp cứu ngay mà đi bó thuốc Nam ở một thầy lang tại địa phương.
Ngày 1-12, bệnh nhân Thái được chuyển từ Bệnh viện đa khoa khu vực Định Quán lên trong tình trạng toàn bộ cánh tay trái và ngực trái phù to, sưng tấy, tím tái; người mệt mỏi, đau nhức. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị biến chứng nặng do bị rắn lục cắn. Do tình trạng ngộ độc nặng nên chỉ trong vòng 1 ngày, bệnh nhân đã được truyền đến 25 lọ huyết thanh kháng nọc rắn lục.
Bác sĩ Võ Thanh Tâm, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, cho biết trong thời gian qua, có một số ca bị rắn lục cắn nhưng điều trị bằng bó thuốc Nam dẫn đến biến chứng hoại tử, phải tháo khớp tay. Việc điều trị rắn lục cắn tại bệnh viện hiện có hiệu quả rất cao do đã có huyết thanh kháng nọc đặc trị. Các bệnh nhân bị rắn cắn nên đến bệnh viện cấp cứu, điều trị sớm để tránh ngộ độc nặng, biến chứng hoại tử, thậm chí tử vong.
Ngọc Thư - Văn Tuấn