Báo Đồng Nai điện tử
En

Tháo gỡ khó khăn cho trường học mới ở Vĩnh Tân

03:01, 06/01/2016

(ĐN)- Ngày 6-1, đoàn công tác của Sở GD-ĐT đã tổ chức kiểm tra thực hiện chương trình trường học mới Việt Nam tại Trường THCS Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu...

(ĐN)- Ngày 6-1, đoàn công tác của Sở GD-ĐT đã tổ chức kiểm tra thực hiện chương trình trường học mới Việt Nam tại Trường THCS Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu. Đây là năm học đầu tiên áp dụng chương trình này ở bậc THCS trên cả nước sau 5 năm thực hiện ở bậc tiểu học. Ở Đồng Nai hiện có 18 trường THCS thực hiện chương trình này.

 Tiết học môn Ngữ văn theo mô hình trường học mới Việt Nam của lớp 6/3, Trường THCS Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu
Tiết học môn Ngữ văn theo mô hình trường học mới Việt Nam của lớp 6/3, Trường THCS Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu

Qua dự một số tiết học của 3 lớp khối 6 của Trường THCS Vĩnh Tân, đoàm kiểm tra nhận thấy, cả ba lớp đều đáp ứng được mô hình mà Bộ GD-ĐT đang triển khai. Tuy nhiên, cả 3 lớp đều gặp phải một số khó khăn về việc sắp xếp giáo viên, phân bố chương trình đối với những môn học ghép như Khoa học tự nhiên (ghép môn Sinh học, Vật lý, Hóa học), Khoa học - xã hội (ghép môn Lịch sử, Địa lý). Do diện tích lớp chật hẹp, mà số học sinh lại đông (44-45 em/lớp) nên việc tổ chức dạy học cũng còn nhiều hạn chế. Ở những lớp này, học sinh ngồi học theo từng nhóm từ 6 đến 7 em, giáo viên đóng vai trò là người hướng dẫn để học sinh phát huy được năng lực của bản thân, phát huy tinh thần làm việc nhóm. Tuy nhiên, do lớp học đông, nên học sinh ít có điều kiện di chuyển, thảo luận, giáo viên cũng chưa thể quán xuyến hết từng em học sinh trong lớp, đặc biệt là những em yếu, kém.

Cô Trịnh Thị Khuyên, giáo viên dạy Khoa học – xã hội cho rằng, để thực hiện tốt mô hình này, ngoài những yếu tố chủ quan từ giáo viên, học sinh, cần phải có cơ sở vật chất tương xứng. Chẳng hạn như nên giảm số học sinh xuống còn 30 em/lớp để việc di chuyển của giáo viên, học sinh được thuận lợi. Theo cách học chủ động này, những học sinh học khá, giỏi sẽ có điều kiện phát huy năng lực. Trái lại, nếu giáo viên không quan tâm, thì những học sinh yếu, kém sẽ rất lơ là. Do không chấm điểm thường xuyên như cách học cũ nên nhiều em cũng chủ quan, không chịu khó học bài.

Tại buổi làm việc, ông Lưu Quang Ban, Phó phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT) nhấn mạnh, để phát huy tính tích cực của mô hình này, giáo viên phải thực sự đổi mới phương pháp dạy, lấy học sinh làm trung tâm. Ông Ban cũng cho biết, để khắc phục tình trạng cơ sở vật chất và sĩ số học sinh, Sở sẽ họp, xem xét và kiến nghị giảm bớt sĩ số học sinh đối với những lớp thực hiện mô hình này, nhằm đem lại hiệu quả cao nhất. Giáo viên nên chủ động đổi chỗ ngồi cho học sinh, luân phiên thay đổi tổ trưởng, chủ tịch hội đồng tự quản để mỗi em đều phát huy được năng khiếu, năng lực của mình. Đồng thời, cần có phương pháp tích cực để khơi gợi tính ham học, chủ động tìm hiểu nội dung bài học trong môi học sinh.

Hạnh Dung

 

Tin xem nhiều