Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV diễn ra 15 ngày

10:04, 25/04/2016

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 47, chiều 25/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đánh giá kết quả kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV; cho ý kiến về việc phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2019 tại một số nước.

[links()]Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 47, chiều 25/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đánh giá kết quả kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV; cho ý kiến về việc phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2019 tại một số nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên họp lần thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII. (Ảnh: TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên họp lần thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII. (Ảnh: TTXVN)
Dành khoảng 11 ngày cho công tác nhân sự cấp cao của Nhà nước

Tờ trình về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội kh​óa XIV do Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày nêu rõ Quốc hội sẽ dành khoảng 11 ngày để xem xét, quyết định về tổ chức, nhân sự cấp cao của Nhà nước. 

Trong đó thực hiện quy trình bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội; Tổng thư ký Quốc hội; bầu Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước; Quyết định cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ; Phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; Phê chuẩn danh sách các thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh.

Tại Kỳ họp thứ nhất, dự kiến, Quốc hội sẽ nghe Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam phát biểu; nghe đại diện Hội đồng Bầu cử quốc gia báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 và kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội được bầu.

Ngoài ra, Kỳ họp thứ nhất sẽ dành khoảng 5 ngày quyết định một số vấn đề quan trọng khác, trong đó có việc xem xét Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2016; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2016. 

Có ý kiến đề nghị lùi việc xem xét này sang Kỳ họp thứ 2, vì Quốc hội mới xem xét tình hình kinh tế-xã hội 3 tháng đầu năm và phương hướng cho những tháng cuối năm ở Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIII. 

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIII rất sơ bộ, chưa rõ nét. Do vậy, Chính phủ vẫn cần có báo cáo về tình hình 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm.

Dự kiến, Kỳ họp thứ nhất sẽ diễn ra khoảng 15 ngày. Phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất dự kiến tiến hành vào sáng thứ tư, ngày 20​/7. Phiên bế mạc dự kiến tiến hành vào ngày thứ ba, ngày 9​/8. 

Để có thời gian thực hiện một số công việc cần thiết như hướng dẫn các đại biểu Quốc hội mới được bầu sử dụng hệ thống điện tử, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị tiến hành phiên họp trù bị vào chiều thứ ba, ngày 19​/7.

Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII thành công tốt đẹp, hoàn thành chương trình đề ra, bảo đảm chất lượng, hiệu quả

Cho ý kiến về báo cáo đánh giá kết quả kỳ họp thứ 11, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với dự thảo báo cáo do Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày. 

Kỳ họp thứ 11 là kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, đã thực hiện nhiều nội dung quan trọng về xây dựng pháp luật, tổng kết nhiệm kỳ khóa XIII, xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế-xã hội và nhân sự cấp cao của Nhà nước... 

Sau 19 ngày làm việc, với tinh thần đổi mới, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao, kỳ họp đã thành công tốt đẹp, hoàn thành chương trình đề ra, bảo đảm chất lượng, hiệu quả. 

Kỳ họp đánh dấu sự tham gia tích cực, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội; tinh thần làm việc tận tụy, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội; sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các cơ quan liên quan; sự quan tâm, theo dõi, giám sát và chia sẻ của đông đảo cử tri, nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế; sự tham gia, đưa tin kịp thời, đầy đủ, chính xác của các cơ quan thông tấn, báo chí. 

Với những kết quả đạt được, Quốc hội khóa XIII đã khép lại một nhiệm kỳ đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và rất đáng tự hào, tiếp tục khẳng định tư tưởng đổi mới không ngừng để ngày càng nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của cử tri và nhân dân cả nước.

Tuy nhiên, qua thảo luận, một số ý kiến góp ý về việc thay đổi lại kết cấu báo cáo cho cân bằng và phù hợp với tầm quan trọng của từng nội dung mà Quốc hội tiến hành tại Kỳ họp thứ 11. Cụ thể, phần báo cáo tổng kết nhiệm kỳ là nội dung rất quan trọng, không nên chỉ dành nửa trang để nhắc tới, trong khi phần đánh giá về hoạt động tuyên thệ lại tới gần 1 trang là chưa phù hợp về mặt kết cấu.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 11 dành nhiều thời gian cho công tác nhân sự cấp cao của Nhà nước. Nhìn chung, công tác nhân sự được Quốc hội thực hiện dân chủ, chặt chẽ, đạt kết quả tốt, nhận được sự đồng thuận cao. Riêng về nghi thức tuyên thệ tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội nhắc lại dư luận xã hội chủ yếu là khen; nghi thức này là thiêng liêng, xúc động. 

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các cơ quan liên quan nghiên cứu thêm ý kiến của các đại biểu Quốc hội, của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp này và của cử tri, nhân dân để hoàn chỉnh lại, tạo nghi thức tuyên thệ quốc gia thống nhất.

Thời gian còn lại của phiên làm việc chiều này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2019 tại một số nước.

Theo dự kiến chương trình, sáng mai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp phiên bế mạc, cho ý kiến về các dự thảo Nghị quyết về việc phân loại đơn vị hành chính; Nghị quyết về tiêu chuẩn đơn vị hành chính và việc nhập chia điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính; Nghị quyết về phân loại đô thị./.

QUỲNH HOA (TTXVN/VIETNAM+)

 

Tin xem nhiều