(ĐN) - Ngày 29-4, Ủy ban Bầu cử tỉnh đã tổ chức Hội nghị triển khai một số nội dung về công tác bầu cử và hướng dẫn xây dựng chương trình hành động của ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp.
(ĐN) - Ngày 29-4, Ủy ban Bầu cử tỉnh đã tổ chức Hội nghị trực tiếp trên sóng Đài phát thanh - truyền hình Đồng Nai nhằm triển khai một số nội dung về công tác bầu cử và hướng dẫn xây dựng chương trình hành động của ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Các đại biểu tham dự hội nghị trực tiếp triển khai một số nội dung về công tác bầu cử. |
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Trần Văn Tư, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh; Phan Thị Mỹ Thanh, Phó bí thư Tỉnh ủy; cùng các Phó chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh: Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Phạm Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Thuộc, Giám đốc Sở Nội vụ.
Giám đốc Sở Tư pháp Viên Hồng Tiến |
Tại hội nghị, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh đã nghe Giám đốc Sở Tư pháp Viên Hồng Tiến triển khai Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 và Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.
Theo đó, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 có 5 điểm mới cơ bản, như: cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013 về chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội; bổ sung thêm nhiều quy định để đảm bảo đại biểu Quốc hội giữ vai trò trung tâm trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội; bổ sung các quy định nhằm xác định cụ thể vị trí pháp lý của đại biểu Quốc hội chuyên trách, số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách đã được nâng lên ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội; quy định mới chức danh Tổng thư ký Quốc hội, giữ vai trò chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; quy định mới về việc bầu, phê chuẩn thành viên Hội đồng và các Ủy ban của Quốc hội...
Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 cũng có một số điểm mới như: quy định tiêu chuẩn, số lượng đại biểu HĐND các cấp, trong đó có việc tăng thêm số lượng đại biểu HĐND ở TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh từ 95-105 đại biểu; tăng cường vai trò Thường trực HĐND, bảo đảm hoạt động thường xuyên giữa 2 kỳ họp HĐND, quy định rõ Thường trực HĐND họp thường kỳ mỗi tháng một lần; thay chức danh Ủy viên Thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp huyện bằng chức danh Phó chủ tịch HĐND, mở rộng thành viên thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp huyện; ở HĐND thành phố trực thuộc Trung ương thành lập thêm Ban đô thị; ở HĐND cấp xã thành lập thêm 2 ban là Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - xã hội; Quy định đại biểu HĐND tỉnh hoạt động chuyên trách, với Chủ tịch HĐND, Trưởng ban của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách...
Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Quách Ngọc Lan. |
Bên cạnh đó, bà Quách Ngọc Lan, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cũng hướng dẫn cách thức xây dựng chương trình hành động cho các ứng cử viên, kỹ năng thu thập và xử lý thông tin; kỹ năng tiếp xúc cử tri trong vận động bầu cử.
Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh triển khai kế hoạch tiếp xúc cử tri nơi ứng cử. Hội nghị tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử sẽ tổ chức từ ngày 4-5 đến 20-5. Toàn tỉnh có 4 đơn vị bầu cử Quốc hội với 48 điểm tiếp xúc cử tri; 29 đơn vị bầu cử HĐND tỉnh với 99 đơn vị tiếp xúc cử tri. Ban thường trực MTTQ cấp xã và UBND cấp xã sẽ chịu trách nhiệm chủ trì tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử.
Ông Dũng lưu ý, để hội nghị tiếp xúc cử tri tiến hành dân chủ, công khai, đúng pháp luật, an toàn, Ban Thường trực MTTQ tỉnh đã có văn bản hướng dẫn cụ thể nên yêu cầu Ban Thường trực MTTQ các địa phương nghiên cứu, nắm vững, tổ chức triển khai tốt nội dung đã hướng dẫn.
Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Văn Dũng, |
Phát biểu bế mạc hội nghị, đồng chí Trần Văn Tư, Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh đề nghị các ứng cử viên đầu tư kỹ lưỡng cho chương trình hành động; bố trí, sắp xếp thời gian tham dự hội nghị tiếp xúc cử tri đầy đủ; Ủy ban bầu cử và MTTQ các cấp phải chủ động thông tin về hội nghị tiếp xúc cử tri cho các ứng cử viên, nhất là các vị tự ứng cử, để tạo thuận lợi cho ứng cử viên tiếp xúc cử tri.
Trong thời gian tới, các ngành, các cấp tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hăng hái tham gia bầu cử; Ủy ban bầu cử các cấp chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai công tác bầu cử tại các địa phương; tăng cường công tác bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự, xã hội; Ủy ban MTTQ các cấp tổ chức chu đáo hội nghị tiếp xúc cử tri và vận động bầu cử đảm bảo dân chủ, theo đúng quy trình, tiến độ đã đề ra.
Ngọc Thư