(ĐN)- Sáng nay (9-5), lễ viếng và đưa tang cựu chiến binh, Đại tá Hứa Hòa Hưng, nhân vật nguyên mẫu trong bài hát Anh Ba Hưng được cử hành tại tư gia (số nhà I27 khu liên kế Bửu Long, TP.Biên Hòa) và an táng tại Nghĩa trang cán bộ tỉnh Đồng Nai.
(ĐN)- Sáng nay (9-5), lễ viếng và đưa tang cựu chiến binh, Đại tá Hứa Hòa Hưng, nhân vật nguyên mẫu trong bài hát Anh Ba Hưng được cử hành tại tư gia (số nhà I27 khu liên kế Bửu Long, TP.Biên Hòa) và an táng tại Nghĩa trang cán bộ tỉnh Đồng Nai.
Vợ chồng Đại tá Hứa Hòa Hưng lúc sinh thời. Ảnh: Kỳ Quan |
Vào cuối năm 1947 đầu năm 1948, hòa cùng tinh thần cách mạng của nhân dân Nam bộ trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, Đại tá Hứa Hòa Hưng lúc đó làm tiểu đội trưởng chỉ huy đánh địch trong một trận càn lớn và diệt rất nhiều địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của chúng. Năm 1950, trong chuyến công tác của đoàn văn công đi qua khu vực đóng quân, nhạc sĩ Trần Kiết Tường đã hỏi chiến sĩ trong đơn vị về người đánh giặc giỏi nhất thì anh Ba Hưng được giới thiệu. Ngồi trải lòng với nhạc sĩ Trần Kiết Tường tại một gốc dừa của vùng quê lúa Giá Rai, anh Ba Hưng đã kể về câu chuyện xung phong lính đánh tây, kể về việc diệt Pháp và nhiều câu chuyện xúc động khác để bảo vệ xóm làng. Nhạc sĩ Trần Kiết Tường đã chấp bút cho bài hát Anh Ba Hưng ra đời vào năm 1950. Ngay khi bài hát được phổ biến lần đầu trên làn sóng phát thanh cùng giai điệu hài hước, vui nhộn, dễ nhớ chịu ảnh hưởng của bài dân ca Con chim manh manh, đã thôi thúc hàng triệu thanh niên tiếp tục tình nguyện ra tiền tuyến đánh thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ quê hương.
Đại tá Hứa Hòa Hưng sinh năm 1927 tại Bạc Liêu trong một gia đình “vốn thiệt nông dân”, học hết lớp ba trường làng, anh Ba Hưng phải nghỉ ngang vì không có tiền đi học tiếp. Ông tham gia cách mạng và kinh qua các chức vụ từ tiểu đội trưởng đến Phó cục trưởng Cục Hậu cần, Mặt trận 479 tại Campuchia. Ông bị căn bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, được gia đình đưa vào nhập viện ngày mùng 6 tết Bính Thân tại Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng suy hô hấp. Sau hơn 3 tháng chống chọi với căn bệnh, ông đã trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 89 tuổi vào lúc 14 giờ 50 ngày 4-5. Ông là người sống giản dị, luôn lạc quan, yêu đời và chứng tỏ sự kiên cường, hài hước của người lính tới tận phút cuối đời.
Lê Thoại