(ĐN)- Sáng 20-5, sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với ông Khiếu Mạnh Tường, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại Thuận Phong về hành vi sản xuất, buôn bán phân bón giả, đại diện Ban chỉ đạo 389 của tỉnh đã tiến hành mở niêm phong toàn bộ hệ thống kho, xưởng của công ty này.
(ĐN)- Sáng 20-5, sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với ông Khiếu Mạnh Tường, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại Thuận Phong (Công ty Thuận Phong, đóng tại khu phố 7, phường Long Bình, TP.Biên Hòa) về hành vi sản xuất, buôn bán phân bón giả, đại diện Ban chỉ đạo 389 của tỉnh đã tiến hành mở niêm phong toàn bộ hệ thống kho, xưởng của công ty này.
Hệ thống máy móc của Công ty Thuận Phong hoen gỉ sau hơn một năm bị niêm phong. |
Sau khi mở niêm phong, hai bên đã lập biên bản ghi nhận toàn bộ hiện trạng kho hàng của công ty. Tuy nhiên, do việc niêm phong đã kéo dài hơn 1 năm nên toàn bộ hàng thành phẩm và nguyên liệu sản xuất phân bón, cũng như hệ thống dây chuyền sản xuất của công ty rơi vào tình trạng hư hỏng nặng, không thể tiếp tục sản xuất.
Trao đổi với báo chí sau khi công ty được mở niêm phong, ông Nguyễn Công Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Thuận Phong cho biết, công ty đã bị niêm phong và ngưng hoạt đông 1 năm 28 ngày. Đến nay toàn bộ 2.600 tấn phân bón và nguyên liệu thành phẩm đã bị hư hỏng, không thể tiếp tục tái sản xuất. Không những thế hệ thống máy móc với vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng cũng đã bị hoen gỉ không thể sử dụng được.
Bên cạnh đó, sau khi sự việc xảy ra, các cổ đông đã rút vốn đầu tư, phía ngân hàng siết nợ, một số nhân viên của công ty cũng đã tìm cách chiếm đoạt tài sản, khiến công ty rơi vào tình cảnh điêu đứng. Trước tình cảnh đó, bản thân các lãnh đạo của công ty cũng đã phải cầm cố nhà cửa, tài sản của gia đình để duy trì sự tồn tại của đơn vị.
Cũng theo ông Minh, những thiệt hại về tài sản chỉ là một phần. Điều khó khăn nhất của công ty là sau khi sự việc xảy ra, phần lớn nhân sự có trình độ của công ty đều đã nghỉ việc. Ngoài ra, toàn bộ hệ thống đại lý và khách hàng của công ty cũng gần như đã “phá sản” sau sự việc trên.
Ông Minh cho biết, điều ông băn khoăn nhất là sau khi sự việc xảy ra, cơ quan chức năng chỉ tiến hành kiểm tra 29 mã sản phẩm, trong đó có 7 mã sản phẩm bị điều tra với khối lượng 14 tấn, nhưng cơ quan chức năng vẫn tiến hành niêm phòng tất cả 178 mã sản phẩm của công ty với tổng khối lượng 2.600 tấn. Chính điều này đã làm cho công ty rơi vào tình trạng “phá sản” như bây giờ.
Số nguyên liệu sản xuất phân bón đã bị hư hỏng nặng. |
Tuy nhiên, phía công ty cũng cho biết, chưa tính đến chuyện khởi kiện sau vụ việc này. Trước những khó khăn đó, đại diện Công ty Thuận Phong mong muốn chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tạo mọi điều kiện thuận lợi để công ty có cơ hội hoạt động trở lại. Đại diện Công ty Thuận Phong cũng cho biết, dự kiến phải mất từ 3 đến 6 tháng công ty mới có thể phục hồi sản xuất trở lại.
Trước đó, ngày 24-4-2015, Đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đã đến kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Công ty Thuận Phong. Tại đây, đoàn kiểm tra xác định trong quá trình sản xuất phân bón nhập khẩu từ Mỹ, Công ty Thuận Phong có dấu hiệu làm giả nên đã chuyển cho cơ quan công an điều tra.
Sau một thời gian điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh xác định, hành vi của ông Khiếu Mạnh Tường không đủ yếu tố cấu thành tội sản xuất, buôn bán hàng giả. Theo đó, việc ông Khiếu Mạnh Tường chỉ đạo công nhân sang chiết, đóng chai và dán nhãn hiệu, ghi thông tin Made in USA trên sản phẩm là đúng bản chất hàng hóa.
Ngày 24-3, Bộ Công an cũng đã tổ chức cuộc họp và kết luận hành vi của ông Tường không có dấu hiệu tội phạm, không có căn cứ để xử lý hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả. Những sai phạm của Công ty Thuận Phong chỉ ở mức độ xử lý hành chính. Ngày 15-4-2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với Công ty Thuận Phong.
Trần Danh