(ĐN)- Ngày 10-6, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai thi hành Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và luật Tố tụng hành chính...
(ĐN)- Ngày 10-6, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai thi hành Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và luật Tố tụng hành chính. Đây là những đạo luật quan trọng đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 10, khóa XIII.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đồng Nai |
Sau gần 10 năm thi hành, Bộ luật Dân sự trước đây đã bộc lộ không ít các hạn chế, bất cập. Do đó, Bộ luật Dân sự 2015 (có 6 phần, với 27 chương, 689 điều) đã có nhiều đổi mới về nhận thức, tư duy pháp lý trong việc hoàn thiện cơ chế, điều chỉnh quan hệ dân sự, xây dựng nền tảng pháp lý thống nhất, đồng bộ, ổn định cho hệ thống pháp luật dân sự Việt Nam..., góp phần hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phục vụ hội nhập quốc tế.
Còn Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi năm 2015 (gồm 517 điều, được bố cục thành 10 phần, 42 chương có hiệu lực từ ngày 1-7) cũng đã thể chế chiến lược cải cách tư pháp, đổi mới, cải cách thủ tục tố tụng dân sự theo hướng công khai, minh bạch, dân chủ, bảo đảm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn để giải quyết các vụ việc dân sự nhanh chóng, kịp thời.
Riêng Luật Tố tụng hành chính 2015 (có hiệu lực thi hành ngày 1-7) đã sửa đổi và bổ sung nhiều điều mới, nhằm tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong công tác giải quyết, xét xử các khiếu kiện hành chính, đồng thời tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý để Tòa án nhân dân thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao.
Để nội dung các luật sớm đi vào cuộc sống, lãnh đạo Bộ Tư pháp đề nghị các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc quán triệt, triển khai thi hành nội dung, nhất là những điểm mới, cơ bản, quan trọng của các luật một cách rộng rãi, kịp thời và khoa học.
Thanh Hải