Ngày 20-6, tại Công viên Lịch sử - văn hóa dân tộc (quận 9, TP.Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn của thành phố đã khánh thành Đền thờ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh và tổ chức lễ giỗ của ông.
Ngày 20-6, tại Công viên Lịch sử - văn hóa dân tộc (quận 9, TP.Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn của thành phố đã khánh thành Đền thờ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh và tổ chức lễ giỗ của ông.
Nghi thức cắt băng khánh thành Đền thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh. |
Tại lễ khánh thành, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh, cho biết: đền thờ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh được xây dựng, bảo tồn ở nhiều địa phương, như: An Giang, Đồng Nai và Quảng Bình. Riêng tại TP.Hồ Chí Minh, công trình là một trong những cụm di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật đặc biệt nối liền với khu tưởng niệm các Vua Hùng thuộc công viên Lịch sử - văn hóa dân tộc của thành phố.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Hữu Tiến, hậu duệ đời thứ 10, đại diện dòng tộc Nguyễn Hữu ở Quảng Bình bày tỏ hy vọng đền thờ sẽ là một trong những điểm quan trọng trong văn hóa tinh thần, góp phần xây dựng TP.Hồ Chí Minh phát triển ngày càng bền vững.
Nguyễn Hữu Cảnh là vị anh hùng có công khai phá bờ cõi phương Nam, xác lập chủ quyền ở Đàng Trong, đặc biệt là vùng đất Sài Gòn - Gia Định. Công trình Đền thờ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh được xây dựng trên diện tích hơn 7.440 m2, bao gồm các hạng mục chính, như: khối đền chính, nhà điều hành, cổng Tam quan, văn bia, hồ nước, giao thông nội bộ, kè bảo vệ… Đền được xây theo lối kiến trúc truyền thống của người Việt với các vật liệu gỗ, nền lót gạch nung, lợp mái ngói, cửa thiết kế cách điệu cây lá vùng sông nước Nam bộ.
Gia Thuận