Báo Đồng Nai điện tử
En

Bế mạc Phiên họp thứ hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV

08:08, 16/08/2016

Sau hai ngày làm việc, chiều 16/8, Phiên họp thứ hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã bế mạc sau khi các đại biểu thảo luận về Báo cáo đánh giá kết quả kỳ họp thứ nhất và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV.

Sau hai ngày làm việc, chiều 16/8, Phiên họp thứ hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã bế mạc sau khi các đại biểu thảo luận về Báo cáo đánh giá kết quả kỳ họp thứ nhất và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV. 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ Phiên họp thứ hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra trong hai ngày cơ bản hoàn thành các nội dung dự kiến. Ủy ban Thường vụ đề nghị Văn phòng Quốc hội tiếp thu các ý kiến để hoàn chỉnh Báo cáo đánh giá kết quả Kỳ họp thứ nhất và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV.

Tại phiên họp thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Luật Cảnh vệ và Luật Công an xã. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất ban hành Nghị quyết với hai nội dung, một là quyết định thu hồi hơn 77 tỷ đồng từ hợp phần xây dựng cơ bản; hai là bổ sung cho hợp phần đền bù, định canh định cư, giải quyết đất sản xuất và ổn định đời sống nhân dân nhân dân vùng Hồ Tả Trạch hơn 77 tỷ đồng. 

Về Tờ trình của Chính phủ liên quan đến điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát lại để tiếp tục báo cáo vào kỳ họp sau. 

Kết luận về nội dung thứ nhất phiên họp chiều 16/8, Chủ tịch Quốc hội cho biết, về cơ bản, các ý kiến thống nhất với Báo cáo đánh giá của Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày. Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành tốt đẹp chương trình kỳ họp thứ nhất. 

Điều này được thể hiện qua ý kiến các đại biểu Quốc hội, qua việc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội sau kỳ họp, cũng như qua các phương tiện thông tin đại chúng. 

Để đạt được thành công này phải kể tới công tác chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng của các cơ quan chức năng, cũng như sự phối hợp của cả hệ thống chính trị. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, là kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV nhưng trong phần thảo luận, các chương trình gần như không đủ thời gian, không khí thảo luận sôi nổi, chất lượng tốt. 

Mặc dù có tới hơn 300 đại biểu Quốc hội mới lần đầu tham gia nhưng các đại biểu đã thể hiện trách nhiệm của mình với những phát biểu chất lượng, thẳng thắn, có trọng tâm vào những vấn đề thời sự của đất nước như: vấn đề ô nhiễm môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung, vấn đề nợ công… 

Về chương trình giám sát, Quốc hội đã lựa chọn những vấn đề cử tri quan tâm và tạo được sự đồng thuận cao. Cách thức tổ chức kỳ họp, chương trình, sắp xếp thời gian, sự điều hành của Đoàn Chủ tịch, thảo luận đoàn, tổng hợp ý kiến, báo cáo giải trình, tiếp thu... về cơ bản đã thực hiện đúng. 

Về phần thảo luận tại hội trường theo hướng “tranh luận”, Chủ tịch Quốc hội nhất trí với các ý kiến cho rằng, công tác điều hành đóng vai trò quan trọng, có thể bình luận ngắn, cần đưa ra những gợi mở vấn đề để các đại biểu phát biểu đi vào trọng tâm những vấn đề còn có những ý kiến khác nhau. 

Chủ tịch Quốc hội cho biết, từ những phản hồi tích cực, thời gian tới Quốc hội sẽ tiếp tục mở các lớp nâng cao kỹ năng để cung cấp thông tin, kiến thức và kỹ năng cần thiết cho đại biểu Quốc hội khóa XIV. 

Dự kiến tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội sẽ làm việc 22,5 ngày, trong đó có 1 trong 4 ngày thứ bảy; họp phiên trù bị và khai mạc vào thứ năm, ngày 20/10/2016 và bế mạc vào ngày 18/11/2016. Quốc hội sẽ xem xét thông qua 4 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến 14 dự án luật. 

Kết luận về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ hai, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, ngay sau phiên họp ngày 16/8, Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc và Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội chỉ đạo rà soát, nắm tình hình, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng thực hiện công tác chuẩn bị nội dung các dự thảo luật. 

Cùng với đó, các Phó Chủ tịch Quốc hội cũng sẽ kiểm tra, đôn đốc các Ủy ban, Hội đồng Dân tộc trong lĩnh vực mình phụ trách. 

Để bảo đảm các dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua đạt chất lượng, Chủ tịch Quốc hội cũng nhất trí về đề nghị xem xét, quyết định tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để cho ý kiến về một số dự án luật quan trọng; đồng thời, đề nghị Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đề xuất những nội dung cần thảo luận tại hội nghị để sớm xây dựng kế hoạch tổ chức trước Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV. 

Cùng với đó, trong thảo luận tại hội trường về những dự án luật quan trọng, nếu còn có nhiều ý kiến khác nhau cần trao đổi thì trong điều hành sẽ xem xét tăng thời gian thảo luận để đảm bảo chất lượng các dự án luật.

Tiếp thu ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chương trình kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh đến việc bảo đảm tiến độ gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật, giúp đại biểu có thời gian nghiên cứu trước kỳ họp, trong đó bổ sung đầy đủ các báo cáo được đông đảo cử tri quan tâm như công tác giải quyết khắc phục hậu quả vụ Formosa; giám sát việc phát triển công nghiệp 4 tỉnh miền Trung; trách nhiệm, biện pháp khắc phục tại các dự án nghìn tỷ đang "đắp chiếu," doanh nghiệp gây thua lỗ ngân sách Nhà nước... 

Về một số vấn đề khác, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV sẽ thành lập, cho ra mắt và đi vào hoạt động Nhóm nữ đại biểu Quốc hội và Nhóm nghị sỹ hữu nghị với các nước./. 
 
(TTXVN/VIETNAM+)

 

Tin xem nhiều