Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyên gia khí tượng nói về cặp áp thấp "sinh đôi" trên Biển Đông

11:08, 17/08/2016

Chỉ sau một ngày xuất hiện áp thấp nhiệt đới ở Bắc Biển Đông, trưa 16/8, ở vịnh Bắc Bộ tiếp tục hình thành một vùng áp thấp "sinh đôi" tương tự. Theo đánh giá của các chuyên gia dự báo khí tượng, hiện tượng này rất hiếm thấy trên biển Đông.

Chỉ sau một ngày xuất hiện áp thấp nhiệt đới ở Bắc Biển Đông, trưa 16/8, ở vịnh Bắc Bộ tiếp tục hình thành một vùng áp thấp “sinh đôi” tương tự. Theo đánh giá của các chuyên gia dự báo khí tượng, hiện tượng này rất hiếm thấy trên biển Đông.
Đường đi và vị trí cơn bão. (Ảnh: KTTVTW)
Đường đi và vị trí cơn bão. (Ảnh: KTTVTW)
Trao đổi với báo chí, tiến sỹ Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, bão “sinh đôi”, “sinh ba” trên biển Đông xưa nay thường hiếm khi xảy ra, còn áp thấp “sinh đôi” - một hình thành ngoài biển Đông, một hình thành trong vịnh Bắc Bộ là hiện tượng chưa từng thấy.

Ông Cường cũng lưu ý, áp thấp nhiệt đới “sinh đôi” là chuyện hiếm ở Việt Nam, tuy nhiên trường hợp 2 áp thấp nhiệt đới lớn mạnh thành 2 cơn bão gần một thời điểm thì câu chuyện từng xảy ra không ít trên thế giới. Trong đó, có những cơn bão “song sinh” kỳ dị, thậm chí là bão sinh ba.

Minh chứng cho hiện tượng trên, ông Cường cho biết, tháng 8/2015, trên biển Thái Bình Dương đã từng xuất hiện cặp siêu bão có cường độ tương đương nhau, sức gió mạnh cấp 15, giật trên cấp 17, cặp bão “song sinh” này có tên là Goni và Atsani.

Trong đó, cơn bão Goni ở gần lục địa Châu Á, có sức gió lên tới 185km/giờ, mạnh nhất ở vùng gần tâm bão cấp 15, giật trên cấp 17, xuất hiện ở vùng biển ngoài khơi Philippines và hướng về biển Đông, gây ra mưa lớn trong khu vực. Xa hơn về phía Đông, là cơn bão Atsani có sức gió lên tới 225km/h, hướng về phía Nhật Bản.

Với sức gió tối đa 170km/h và giật tới 205km/h, bão Goni đổ bộ vào phía bắc Philippines ngày 22/8/2015 gây mưa lớn, lở đất, lũ quét, ngập úng ở các khu vực trũng, thấp, có 5.000 người phải sơ tán và 10 người thiệt mạng dù đã được cảnh báo từ rất lâu trước đó. Sau đó, cơn bão này còn tiếp tục càn quét Nhật Bản, Hàn Quốc gây ra nhiều thiệt hại về tài sản.
Mây vệ tinh. (Nguồn: KTTVTW)
Mây vệ tinh. (Nguồn: KTTVTW)
Quay trở lại với cặp áp thấp "song sinh" vừa xuất hiện trên Biển Đông vào ngày 16/8, bản tin dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương vừa phát sáng nay (17/8) cho biết, đêm qua, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ đã suy yếu thành một vùng áp thấp, sau đó vùng áp thấp tiếp tục di chuyển theo hướng Đông, đi vào phía Tây Bắc bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) và tan dần.

Còn áp thấp nhiệt đới trên khu vực Bắc Biển Đông, hồi 4 giờ sang 17/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 22,1 độ Vĩ Bắc; 113,2 độ Kinh Đông, ngay trên vùng ven biển phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9-10.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 4 giờ ngày 18/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,4 độ Vĩ Bắc; 111,0 độ Kinh Đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 100km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10-11./.

(VIETNAM+)

Tin xem nhiều