(ĐN)- Ngày 8-10, đại diện Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh cho biết, cơ quan này đang tạm giữ hình sự 3 đối tượng để điều tra về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 226b Bộ luật hình sự.
(ĐN)- Ngày 8-10, đại diện Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh cho biết, cơ quan này đang tạm giữ hình sự 3 đối tượng gồm: Nguyễn Thị Minh Phương (38 tuổi), Phạm Thanh Toàn (45 tuổi) đều ngụ TP.Biên Hòa và Hồ Đình Phú (24 tuổi, ngụ tỉnh Lâm Đồng) để điều tra về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 226b Bộ luật hình sự.
Phương và Toàn bị bắt giữ tại cơ quan công an (Ảnh: CTV) |
Trước đó, sau một thời gian điều tra, tối ngày 7-10, PC46 Công an tỉnh đã phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (C50) Bộ Công an thực hiện lệnh bắt khẩn cấp và khám xét nơi ở của các đối tượng này. Quá trình khám xét, cơ quan công an đã thu giữ nhiều tài liệu và chứ cứ liên quan phục vụ cho công tác điều tra.
Theo cơ quan điều tra, đây là các đối tượng đã sử dụng hệ thống mạng máy tính lập ra đường dây huy động vốn trái phép của nhiều người rồi chiếm đoạt. Bước đầu, cơ quan điều tra xác định, số tiền mà các đối tượng trên đã chiếm đoạt lên đến khoảng 140 tỷ đồng.
Theo kết quả điều tra, để thực hiện hành vi này, các đối tượng đã thành lập Công ty cổ phần Phương Thái An (đóng tại phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) do Phương làm người đại diện theo pháp luật. Sau đó, các đối tượng đã thuê người lập ra trang web giới thiệu về công ty và mô hình “kinh doanh” của mình nhằm lôi kéo nhiều người cùng tham gia hoạt động.
Để huy động được vốn từ nhiều người, Phương đã lập ra mô hình cho - nhận thực hiện bằng các mã ID. Theo đó, mỗi người tham gia hệ thống ít nhất phải đăng ký một mã ID bằng việc đóng hơn 10,1 triệu đồng. Trong đó có 2,1 triệu đồng là tiền PIN (phí bắt buộc khi tham gia hệ thống) còn lại 8 triệu đồng là khoản tiền “đầu tư” ban đầu được gọi là tiền cho đi (gọi tắt là PH).
Mỗi cá nhân khi tham gia bằng một mã PH sẽ được hệ thống cho nhận về một mã (gọi tắt là GH) với số tiền 2,2 triệu đồng và liên tục trong 18 kỳ tương đương với số tiền 39,8 triệu đồng trong khoảng thời gian 3 tháng. Với mô hình được nhóm đối tượng nói trên vẽ ra, nhiều người muốn có cơ hội nhận về nhiều GH đã liên tục bỏ tiền vào để cho đi (PH).
Tuy nhiên, theo điều tra của cơ quan công an, hệ thống cho - nhận của các đối tượng này đã không có sự đầu tư sinh lời mà chỉ lấy tiền đầu tư từ người tham gia sau đề trả cho những người tham gia chơi trước, số còn lại thì chiếm đoạt để tiêu xài cá nhân.
Theo kết quả điều tra, đến khi bị phát hiện, trên hệ thống của các đối tượng này có khoảng 4 ngàn người tham gia. Trong đó, những người này đã tham gia đăng ký hơn 21 ngàn mã và có hơn 14 ngàn mã đã được kích hoạt.
Kết quả điều tra cũng cho thấy, các đối tượng trên đã nhận từ các tài khoản ngân hàng của nhiều người chơi với số tiền lên đến gần 140 tỷ đồng. Trong đó, Phương nhận khoảng 104 tỷ đồng; Toàn nhận 15 tỷ đồng, Phú nhận 11 tỷ đồng. Ngoài ra, cơ quan công an cũng đang tiếp tục xác minh một số đối tượng khác cùng tham gia đường dây này.
Hiện cơ quan công an đang củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án. Đồng thời, tiếp tục mở rộng điều tra đối với một số đối tượng liên quan.
Trần Danh