(ĐN)- Ngày 8-11, Đoàn giám sát của Ban pháp chế HĐND tỉnh đã có buổi làm việc với Chi cục thi hành án dân sự 2 huyện: Trảng Bom và Vĩnh Cửu để kiểm tra công tác thi hành án dân sự tại địa phương...
(ĐN)- Ngày 8-11, Đoàn giám sát của Ban pháp chế HĐND tỉnh đã có buổi làm việc với Chi cục thi hành án dân sự 2 huyện: Trảng Bom và Vĩnh Cửu để kiểm tra công tác thi hành án dân sự tại địa phương...
* Cùng dự buổi giám sát của Ban pháp chế HĐND tỉnh tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Trảng Bom vào sáng ngày 8-11, có Phó chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Ngọc Tuấn.
Phó chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Ngọc Tuấn phát biểu tại buổi làm việc |
Theo Chi cục thi hành án huyện Trảng Bom, trong năm 2016, Chi cục đã tổ chức thi hành gần 3 ngàn việc án. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc án tồn đọng do công tác bán đấu giá tài sản kéo dài, số lượng việc án trên mỗi chấp hành viên quá lớn (từ 300 đến 500 việc án/chấp hành viên/năm).
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Ngọc Tuấn cho rằng, thi hành án dân sự là khâu cuối trong giải quyết các vụ án nên sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong thời gian qua, tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác thi hành án có chiều hướng gia tăng, vì vậy các cơ quan thi hành án cần phải xem lại công tác giải quyết việc án của mình.
Phó chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các cơ quan tư pháp phải ngồi lại để tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc. Nếu các vụ việc vượt quá thẩm quyền thì kiến nghị lên cấp trên để giải quyết không nên đề việc án tồn đọng quá nhiều. Ngoài ra, Phó chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu dù việc án nhỏ nhất cũng không được bỏ qua, có như vậy mới tạo niềm tin trong nhân dân.
* Cùng ngày, Đoàn giám sát do Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Trần Văn Quang làm trưởng đoàn cũng đã có buổi làm việc với Chi cục thi hành án huyện Vĩnh Cửu về công tác thi hành án năm 2016.
Đoàn giám sát Ban Pháp chế HĐND tỉnh làm việc với Chi cục Thi hành án huyện Vĩnh Cửu |
Theo lãnh đạo Chi cục thi hành án huyện, trong thời gian qua, công tác thi hành án trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn. Trong đó, đáng kể nhất là lượng án ngân hàng, tổ chức tín dụng có giá trị tiền và tài sản phải thi hành lớn; tài sản thế chấp chủ yếu là quyền sử dụng đất, nhà xưởng, dây chuyền sản xuất, nên việc xử lý tài sản (kê biên, bán đấu giá...) gặp rất nhiều khó khăn; các đương sự phải thi hành án thường né tránh nghĩa vụ, cố tình gây khó khăn, chống đối dưới nhiều hình thức... Trong năm 2015, Chi cục thi hành án huyện phải giải quyết hơn 1,5 ngàn/1,6 ngàn vụ việc và thực tế đã giải quyết được hơn 1 ngàn/1,5 ngàn vụ việc (đạt 75,07%).
Đại diện đoàn giám sát đánh giá cao công tác thi hành án tại huyện Vĩnh Cửu, tuy nhiên đoàn cũng yêu cầu Chi cục phối hợp với các cơ quan pháp luật xử lý dứt điểm từng vụ việc. Đồng thời, cùng với các địa phương tuyền truyền phổ biến Luật Thi hành án để từng bước nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong vấn đề này.
Trần Danh - Tố Tâm