(ĐN) - Ngày 7-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nhà ở xã hội, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để triển khai nhanh các dự án đáp ứng nhu cầu của người dân.
(ĐN) - Ngày 7-12, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nhà ở xã hội, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để triển khai nhanh các dự án đáp ứng nhu cầu của người dân. Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị toàn quốc về nhà ở xã hội |
Theo phản ánh của các địa phương và doanh nghiệp đang tham gia các dự án nhà ở xã hội thì khó khăn vướng mắc nhất là thiếu đất sạch và vốn vay ưu đãi để triển khai các dự án. Vì dự án nhà ở xã hội đòi hỏi giá bán căn hộ phải thấp, chất lượng nhà ở phải cao, nên các doanh nghiệp đều khó đủ vốn để triển khai dự án.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, đến tháng 11-2016, cả nước mới đầu tư xây dựng 179 dự án nhà ở xã hội tại khu đô thị, khu công nghiệp với 71.150 căn hộ có diện tích khoảng 3,7 triệu m2, đáp ứng nhu cầu cho gần 500 ngàn người. Như vậy, so với chỉ tiêu số lượng nhà ở xã hội tại đô thị và khu công nghiệp đến năm 2020 đã đề ra thì hiện tại mới đạt khoảng 28%. Hiện vẫn còn hơn 1,5 triệu công nhân cần nhà ở để ổn định cuộc sống.
Liên quan đến vấn đề này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, nếu các dự án nhà ở xã hội theo quy hoạch hiện nay triển khai hết mới đáp ứng được 20% nhu cầu. Vấn đề bức thiết nhất mà các địa phương có các khu công nghiệp cần phải ưu tiên là làm nhà ở xã hội cho công nhân. Bởi, nếu không chú ý đến nhà ở cho công nhân sau này 10-15 năm, công nhân lớn tuổi về quê và cuộc sống sẽ rất khó khăn.
Phó chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại đầu cầu Đồng Nai. |
Tại hội nghị trực tuyến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, sẽ xây dựng nhà ở xã hội cho 9 đối tượng, nhưng trong đó phải ưu tiên cho xây dựng nhà ở cho công nhân. Vì đội ngũ công nhân đang đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế của cả nước, nhưng đời sống của họ lại rất khó khăn. Thời gian tới, chính phủ sẽ ưu tiên nguồn vốn vay ưu đãi cho các dự án nhà ở xã hội. Các chủ đầu tư phải đảm bảo nhà ở xã hội giá thấp nhưng chất lượng phải tốt cho người thu nhập thấp.
Đồng Nai là một trong 5 địa phương dâẫn đầu cả nước về xây dựng nhà ở xã hội và đặc biệt cho đối tượng công nhân. Gần 3 năm qua, Đồng Nai đã xây dựng hơn 2.100 căn nhà ở xã hội, dự tính từ nay đến năm 2020 xây dựng tiếp 20 ngàn căn. Trong đó, huyện Nhơn Trạch là địa phương thực hiện khá tốt nhà ở cho công nhân.
Hương Giang