(ĐN)- Sáng 18-4, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các Phó chủ tịch Quốc hội đã điều hành phiên họp thứ 9 (Quốc hội khóa XIII). Phiên họp được truyền hình trực tuyến...
(ĐN)- Sáng 18-4, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các Phó chủ tịch Quốc hội điều hành phiên họp thứ 9 (Quốc hội khóa XIII). Phiên họp được truyền hình trực tuyến tới Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội 63 tỉnh, thành phố.
Các đại biểu theo dõi phiên họp tại Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh |
Tham dự phiên họp tại Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, có đồng chí Phan Thị Mỹ Thanh, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, cùng các đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Đồng Nai và lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Trong phiên họp buổi sáng, các đại biểu đã dành nhiều thời gian chất vấn các thành viên của Chính phủ, trong đó có Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ; Bộ trưởng Bộ Tài Chính Trương Tiến Dũng…
Nội dung các chất vấn tại phiên họp liên quan tới nhiều vấn đề, như: việc thực hiện chính sách đối với người có công, gia đình chính sách, đào tạo nghề, quản lý các trung tâm cai nghiện ma túy trên cả nước, phân luồng học sinh phổ thông, và kế hoạch chi ngân sách…
Đặc biệt, liên quan tới vấn đề quản lý các trung tâm, cơ sở cai nghiện bắt buộc tại các địa phương, trong đó có Đồng Nai, nhất là sự cố học viên cai nghiện ma túy gây rối, bỏ trốn trung tâm xảy ra gần đây, Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, các địa phương đều muốn đưa người nghiện vào trung tâm cai nghiện ma túy bắt buộc với mong muốn làm trong sạch địa bàn, trong khi điều kiện tiếp nhận người nghiện ở các trung tâm cai nghiện là có hạn, cơ sở vật chất lại cũ kỹ.
Bộ trưởng lấy ví dụ: “Ở Đồng Nai điều kiện cơ sở cai nghiện chỉ có thể tiếp nhận từ 500 tới 600 học viên, nhưng thực tế có thời điểm lên tới gần gần 1.500 người. Trong khi đó, cơ sở vật chất lại cũ kỹ, điều kiện ăn ở không đảm bảo, dẫn tới nhiều bức xúc cho học viên cai nghiện, nhất là những người nghiện ma túy vốn tâm lý thường không ổn định, dễ bị kích động”.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, để cai nghiện hiệu quả, trong quá trình thực hiện phải phân biệt giai đoạn ban đầu cai nghiện; giai đoạn cai nghiện bắt buộc và giai đoạn sau cai. Nhưng trên thực tế, do điều kiện cơ sở vật chất không đáp ứng được quy trình cai nghiện nên các học viên phải ở chung với nhau. Điều này dẫn đến tình trạng lôi kéo, tác động lẫn nhau giữa các đối tượng cai nghiện.
Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, có một thực trạng báo động tại các cơ sở cai nghiện hiện nay là ít nhất 35-45% học viện cai nghiện có tiền án, tiền sự, thậm chí là cộm cán giang hồ. Đặc biệt, có học viên đã từng đi tù nhiều lần nên quá khích, kích động các học viên khác cùng nhau quậy phá, bỏ trốn trung tâm.
Trong khi đó, chế tài xử lý học viên cai nghiện lại không ngoài việc vận động học viên trốn trung tâm trở lại tiếp tục cai nghiện. Về năng lực quản lý của các trung tâm cai nghiện, Bộ trưởng cho biết, cán bộ quản lý các trung tâm cai nghiện hiện rất mỏng và có muốn tăng thêm cũng rất khó khăn.
Tại Đồng Nai, theo Bộ trưởng, trung bình mỗi cán bộ phải quản lý 10 học viên cai nghiện và chẳng ai muốn vào làm việc tại trung tâm cai nghiện. Vì, lương chỉ có hơn 2 triệu đồng, trong khi nguy hiểm thì luôn rình rập và cán bộ trung tâm cai nghiện lại không được phép sử dụng vũ khí...
Về các giải pháp tăng cường công tác cai nghiện ma túy, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, phải thực hiện tốt “3 giảm”, đó là giảm nguồn cung cấp ma túy, giảm số người sử dụng, giảm tác hại của ma túy. Đồng thời, phải hỗ trợ các trung tâm cai nghiện về nhân lực, về kinh phí…để đảm bảo điều kiện của các trung tâm cai nghiện.
Công Nghĩa