(ĐN) - Sáng 2-4, nhân Ngày Thế giới nhận biết chứng tự kỷ, Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức đã tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề về cách nhận biết sớm hội chứng tự kỷ ở trẻ...
(ĐN) - Sáng 2-4, nhân Ngày Thế giới nhận biết chứng tự kỷ, Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức đã tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề về cách nhận biết sớm hội chứng tự kỷ ở trẻ, phương pháp điều trị hữu hiệu, cách ứng xử của cha mẹ khi phát hiện con bị hội chứng tự kỷ.
TS Lê Minh Công, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức chia sẻ kiến thức nuôi dạy trẻ tự kỷ với các phụ huynh |
Đây cũng là dịp để các phụ huynh có con bị hội chứng tự kỷ có dịp chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong việc nuôi dạy, giúp đỡ con hòa nhập cộng đồng.
TS Lê Minh Công, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức, Phó trưởng Khoa Tâm lý học, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh cho biết, chứng tự kỷ là một loại khuyết tật phát triển suốt đời, được biểu hiện ra ngoài bằng khiếm khuyết về tương tác xã hội, khó khăn về giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ; hành vi, sở thích, hoạt động hạn hẹp và mang tính lặp đi lặp lại.
Phụ huynh và học sinh của Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức ngắm các bức tranh do chính các em vẽ lên |
Theo TS Lê Minh Công, nhận biết sớm trẻ bị hội chứng tự kỷ rất quan trọng, thời gian vàng trong can thiệp là từ 2-3 tuổi, giúp trẻ mau phục hồi chức năng, nhanh hòa nhập cộng đồng.
Hiện nay, phương pháp tốt nhất trong trị liệu cho trẻ tự kỷ là liệu pháp tâm lý giáo dục. Khi trẻ được chẩn đoán tự kỷ, phụ huynh cần tìm chọn một trung tâm có uy tín để can thiệp cho trẻ, lựa chọn chương trình phù hợp với con.
Ngoài ra, vai trò của phụ huynh chiếm 50-60% sự thành công của một ca can thiệp cho trẻ. Do đó, phụ huynh cũng không ngừng trau dồi kiến thức cùng hợp tác chặt chẽ với các chuyên viên để hỗ trợ thì tỷ lệ thành công sẽ cao hơn.
Tin và ảnh: Ngọc Thư