Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 3, sáng 30/5, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) và thảo luận về nội dung này.
Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 3, sáng 30/5, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) và thảo luận về nội dung này.
Bộ trưởng Bộ Giao thông, Vận tải Trương Quang Nghĩa giải trình làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN) |
Đầu tư chưa tương xứng
Các đại biểu Đặng Hoàng Tuấn (Long An), Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận), Võ Đình Tín (Đắc Nông) cho rằng giao thông vận tải đường sắt có vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông vận tải, tuy nhiên, việc đầu tư cho lĩnh vực này thời gian qua chưa tương xứng.
Luật Đường sắt hiện hành quy định nhà nước tập trung đầu tư phát triển đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị hiện đại, nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư trong và ngoài nước kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt và vận tải đường sắt nhưng quy định này chưa đi vào thực tiễn. 10 năm qua, việc bố trí vốn cho phát triển đường sắt không lớn, chủ yếu bố trí vốn cho việc bảo trì, sử dụng. Kết quả xã hội hóa là không đáng kể, chính sách chưa hấp dẫn nhà đầu tư.
Đại biểu Đặng Hoàng Tuấn đề nghị cần cụ thể hóa hơn chủ trương phát triển ngành đường sắt Việt Nam trong điều luật, phải quy định mức tối thiểu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt và giao Chính phủ căn cứ nguồn lực thực tế quyết định tỷ trọng đầu tư xây dựng đường sắt trong tổng mức đầu tư công cho ngành giao thông vận tải.
Thừa nhận đầu tư cho ngành đường sắt thời gian qua còn rất hạn chế, chỉ vào khoảng 3,18% tổng mức đầu tư của ngành giao thông vận tải, trong khi đầu tư cho giao thông đường bộ chiếm tới 88,98% tổng mức đầu tư, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa cho biết đường sắt ít được quan tâm, đặc biệt là việc kết nối các phương thức vận tải khác nhau, chính vì vậy đường sắt ngày càng khó phát huy. Thị phần vận tải đường sắt đối với hàng hóa chỉ còn 0,4% thị phần của toàn ngành, đây chính là nguyên nhân dẫn tới chi phí vận tải của nước nước ta rất cao so với thế giới.
Bất bình đẳng trong hoạt động kinh doanh vận tải
Nhiều ý kiến tại phiên thảo luận cho thấy chính sự độc quyền và ưu đãi với ngành đường sắt đang tạo ra sự bất bình đẳng trong hoạt động kinh doanh vận tải. Nhìn nhận dự thảo Luật vẫn quy định theo hướng bao cấp, nhà nước vẫn phải trợ giá cho các hoạt động đường sắt, đại biểu Trần Tất Thế (Hà Nam) cho biết doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt vẫn được xây dựng và trình duyệt giá thuê kết cấu hạ tầng đường sắt mà không phải đấu giá, đấu thầu thuê hạ tầng đường sắt theo cơ chế thị trường.
Thực tế cho thấy doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt vẫn nắm giữ cổ phần chi phối tại các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt. Toàn bộ hệ thống sức kéo vẫn do doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt nắm giữ. Chỉ có một doanh nghiệp nhà nước duy nhất vừa kinh doanh kết cấu hạ tầng, vừa kinh doanh vận tải đường sắt do nhà nước đầu tư.
Các doanh nghiệp khác muốn kinh doanh vận tải đường sắt phải ký hợp đồng với chủ thể này để được sử dụng sức kéo và kết cấu hạ tầng đường sắt do nhà nước đầu tư. Do đó, việc kinh doanh kết cấu hạ tầng và kinh doanh vận tải trên đường sắt do nhà nước đầu tư về bản chất vẫn do một doanh nghiệp thực hiện, dẫn đến sự cạnh tranh không bình đẳng, còn phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế tham gia vào đầu tư kinh doanh, không thu hút, tạo điều kiện thuận lợi về việc kêu gọi nguồn lực kinh tế ngoài nhà nước tham gia vào kinh doanh vận tải đường sắt.
Từ thực trạng sau hơn 10 năm thực hiện Luật Đường sắt, ngành đường sắt không những không vươn lên mà còn tụt hậu với thiết bị, công nghệ cổ lỗ, chất lượng dịch vụ thấp, thị phần ngày càng giảm, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) phân tích nguyên nhân là do sự độc quyền kéo dài của doanh nghiệp nhà nước.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Trần Văn Lâm phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN) |
“Sự độc quyền này không tạo sự hấp dẫn của thị trường vận tải đường sắt, không thu hút được đầu tư của các doanh nghiệp ngoài nhà nước dẫn đến ngành vận tải đường sắt thời gian qua dù nói là mở cửa nhưng không ai dám vào, không có sự cạnh tranh nên ngày một kém chất lượng và mất thị phần,” đại biểu Trần Văn Lâm khẳng định.
Theo đại biểu Lâm, dự thảo Luật sửa đổi ngay từ khi đưa ra đã nhắm tới loại bỏ độc quyền trong kinh doanh đường sắt, theo hướng bổ sung chính sách ưu đãi để thu hút nhà đầu tư tham gia vào kinh doanh đường sắt, tách bạch kinh doanh kết cấu hạ tầng và kinh doanh vận tải đường sắt. Đây là chủ trương quyết liệt, bước đột phá để ngành đường sắt thu hút được đa dạng các nguồn đầu tư và vươn lên.
Tuy nhiên, so với dự thảo lần trước, đại biểu cho rằng dự thảo lần này có bước thụt lùi đáng kể, dù vẫn ghi nhận nguyên tắc tách bạch kinh doanh kết cấu hạ tầng và kinh doanh vận tải đường sắt nhưng lại loại bỏ quy định chi tiết “doanh nghiệp được tham gia kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do nhà nước đầu tư thì không được trực tiếp kinh doanh hoặc đầu tư tài chính vào doanh nghiệp vận tải đường sắt trên tuyến đường sắt được giao” vì cho rằng như vậy là hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng.
“Các doanh nghiệp khác muốn tham gia vào vận tải trên tuyến đường sắt quốc gia do nhà nước đầu tư làm sao có thể yên tâm khi phải cạnh tranh với doanh nghiệp vận tải mà có ông bố đang quản lý tuyến đường mà mình sẽ cùng đi trên đó, cạnh tranh trên đó. Sự e ngại cạnh tranh không sòng phẳng này sẽ hạn chế khả năng thu hút đầu tư vào ngành đường sắt như thực trạng hiện nay đang diễn ra và độc quyền vẫn hoàn độc quyền, đại biểu nêu quan điểm.
Từ đó, đại biểu đề nghị giữ lại quy định trước đây về doanh nghiệp đã được giao kinh doanh kết cấu hạ tầng do nhà nước đầu tư thì không tham gia kinh doanh hoặc góp vốn kinh doanh vào doanh nghiệp vận tải trên tuyến đường sắt đó để đảm bảo nguyên tắc tự do cạnh tranh bình đẳng.
Nói về chính sách ưu đãi, đại biểu Trần Tất Thế không đồng tình với quy định ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp. Đại biểu lý giải dự thảo Luật chưa làm rõ tại sao doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt và doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đường sắt không khác với doanh nghiệp và ngành nghề kinh doanh khác, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường bộ.
“Nếu chúng ta ưu đãi trong hoạt động này thì những hoạt động khác cũng có quyền ưu đãi khi gặp những khó khăn và nhà nước sẽ thất thu thuế,” đại biểu Thế nói.
Đặt vấn đề nếu vì khó khăn mà ưu đãi thì các ngành nghề khác có khó khăn chúng ta có ưu đãi không, đại biểu Thế cho rằng như vậy tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, sự bất bình đẳng trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đại biểu đề nghị bỏ ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp kinh doanh trong hoạt động đường sắt./.
CHU THANH VÂN (TTXVN/VIETNAM+)