Báo Đồng Nai điện tử
En

Sẽ mua lại dự án BOT

05:05, 05/05/2017

(ĐN) – Làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 4-5, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho biết, hình thức BOT chỉ được thực hiện trong giai đoạn khó khăn về nguồn vốn đầu tư...

 

(ĐN) – Làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng – kinh doanh - chuyển giao (BOT) vào ngày 4-5, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho biết, hình thức kêu gọi BOT chỉ được thực hiện trong giai đoạn tỉnh đang khó khăn về nguồn vốn đầu tư.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - ngân sách của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát (thứ 2 từ phải sang) kiểm tra dự án BOT đường chuyên dùng tại xã Phước Tân, TP.Biên Hòa (Ảnh: L.Quyên)
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - ngân sách của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát (thứ 2 từ phải sang) kiểm tra dự án BOT đường chuyên dùng tại xã Phước Tân, TP.Biên Hòa (Ảnh: L.Quyên)

Phó chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, nếu tỉnh có tiền thì không làm BOT. Làm đường là để dân đi, khi việc đầu tư hạ tầng giao thông tương đối ổn, ngân sách dư giả, tỉnh sẽ mua lại các dự án BOT.

Khi ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - ngân sách của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát hỏi, tại sao một tỉnh đóng góp ngân sách lớn như Đồng Nai lại gặp khó khăn trong xây dựng hạ tầng giao thông, có những dự án BOT kéo dài đến 30 năm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho rằng, Đồng Nai tuy  là 1 trong 7 tỉnh thu và đóng góp ngân sách về trung ương cao nhất cả nước, nhưng tỉnh có trên 3 triệu dân, dân số chủ yếu tăng cơ học rất nhanh, trong khi nguồn ngân sách được để lại cho địa phương lại ít, phải ưu tiên đầu tư cho giáo dục, y tế. “Mỗi năm như TP.Biên Hòa xây dựng thêm 4 trường học, học sinh vẫn phải học ca ba” - Phó chủ tịch UBND tỉnh nói.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh chia sẻ về cách thu hút dự án BOT của tỉnh
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh chia sẻ về cách thu hút dự án BOT của tỉnh

Chia sẻ về kinh nghiệm thu hút được các nhà đầu tư BOT, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Đồng Nai đã thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án để giảm gánh nặng về tài chính cho nhà đầu tư, đảm bảo dự án có lợi cả 3 bên (nhà đầu tư, người dân và ngân sách).

Qua khảo sát thực tế và làm việc trực tiếp với các nhà đầu tư và UBND tỉnh, đoàn giám sát đánh giá cao các dự án BOT trên địa bàn Đồng Nai. Đoàn cũng ghi nhận cách làm, kinh nghiệm của địa phương và cho biết, sẽ đưa ra tại kỳ họp Quốc hội sắp tới khi xem xét Luật đầu tư đối tác công – tư (PPP).

Được biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 9 dự án triển khai theo hình thức BOT, trong đó 5 dự án do Bộ Giao thông – vận tải quản lý và 4 dự án của tỉnh.

Khắc Giới – Lê Quyên

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích