(ĐN) – Bệnh viện đa khoa Đồng Nai vừa cứu sống 2 trường hợp nhồi máu cơ tim cấp gây ngưng tim ở người trẻ tuổi. Đó là bệnh nhân P.S.B, 29 tuổi và bệnh nhân N.Đ.T, 35 tuổi cùng ngụ tại TP.Biên Hòa. Đến ngày 28-8, cả 2 bệnh nhân đã tỉnh táo, sinh hiệu ổn định, hồi phục không di chứng.
(ĐN) – Bệnh viện đa khoa Đồng Nai vừa cứu sống 2 trường hợp nhồi máu cơ tim cấp, gây ngưng tim ở người trẻ tuổi. Đó là bệnh nhân P.S.B, 29 tuổi và bệnh nhân N.Đ.T, 35 tuổi, cùng ngụ tại TP.Biên Hòa. Đến ngày 28-8, cả 2 bệnh nhân đã tỉnh táo, sinh hiệu ổn định, hồi phục không di chứng.
Bác sĩ Đặng Hà Hữu Phước, Phó Khoa tim mạch can thiệp Bệnh viện đa khoa Đồng Nai tái khám cho bệnh nhân N.Đ.T. Ảnh: Đặng Ngọc. |
Bác sĩ Đặng Hà Hữu Phước, Trưởng phòng Kế hoạch - tổng hợp, Phó Khoa tim mạch can thiệp, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết trước đó, 2 bệnh nhân này đều có biểu hiện đau ngực, khó thở nên đến bệnh viện khám. Rất may mắn, vì khi đến bệnh viện, cả 2 bệnh nhân mới lên cơn ngưng tim đột ngột nên đã được các bác sĩ hồi sức, cấp cứu kịp thời, giúp tim có nhịp đập hồi phục trở lại, giảm biến chứng sau này.
Qua kết quả điện tim cho thấy, cả 2 bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp nên đã được các bác sĩ Khoa tim mạch can thiệp tiến hành can thiệp tim mạch cấp cứu kịp thời. Cụ thể, bác sĩ đã đưa dụng cụ qua động mạch đùi của 2 bệnh nhân lên hút huyết khối ở khu vực tắc nghẽn tại mạch vành, đặt stent nong chỗ hẹp, giúp máu lưu thông trở lại lên tim bình thường nên 2 bệnh nhân nhanh chóng qua cơn nguy kịch.
Thông thường, bệnh nhồi máu cơ tim cấp chỉ xảy ra nhiều ở độ tuổi trên 40 đối với nữ và trên 45 tuổi đối với nam. Tuy nhiên, hiện nay, các ca nhồi máu cơ tim cấp trẻ tuổi ngày càng nhiều với mức độ rất nặng, gây ngưng tim, ngưng thở. Nếu không được cấp cứu và can thiệp tim mạch kịp thời, nguy cơ tử vong sẽ rất cao. Các yếu tố nguy cơ gây bệnh nhồi máu cơ tim cấp là: hút thuốc lá, đái tháo đường, rối loạn lipit máu, tăng huyết áp…
Đặng Ngọc