(ĐN) – Theo thông tin từ Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai, trong 8 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh ghi nhận có hơn 3,7 ngàn trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 900 ca so với tháng 7...
(ĐN) – Theo thông tin từ Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai, trong 8 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh ghi nhận có hơn 3,7 ngàn trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 900 ca so với tháng 7.
Cộng tác viên y tế phun hóa chất diệt muỗi tại một khu nhà trọ ở xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch. |
Trong số đó, có hơn 3,3 ngàn trường hợp nhập viện, tăng khoảng 800 ca so với tháng 7 và 358 trường hợp khám, điều trị ngoại trú. Số trường hợp nhập viện tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2016 (2.416 ca) và ghi nhận 3 trường hợp tử vong, tăng 1 ca so với cùng kỳ năm 2016.
So với cùng kỳ năm 2016, các địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết tăng, bao gồm các huyện: Nhơn Trạch, Thống Nhất, Trảng Bom, Cẩm Mỹ và TP. Biên Hòa, trong đó tăng cao nhất là huyện Nhơn Trạch (207,6%). Riêng 06/11 huyện còn lại có số ca mắc sốt xuất huyết giảm, trong đó giảm nhiều nhất là huyện Định Quán (giảm 46,8%).
Cũng trong 8 tháng đầu năm, tỷ lệ mắc sốt xuất huyết/100 ngàn dân toàn tỉnh là 107 ca, tăng 37,2% so với cùng kỳ 2016 (78 ca). Địa phương có số mắc/100 ngàn dân cao nhất là Nhơn Trạch (371 ca), tiếp theo là Trảng Bom (122 ca) và Long Thành (16 ca). Số ổ dịch sốt xuất huyết được xác định và xử lý trong 8 tháng đầu năm là 613 ổ, tăng 86,3% so với cùng kỳ 2016.
Thời gian qua, ngành y tế, cùng cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đều quan tâm chỉ đạo và tổ chức công tác phòng chống dịch bệnh. Trong đó, đã huy động được đông đảo các ban, ngành, đoàn thể tham gia phòng chống dịch, đặc biệt là lực lượng tham gia chiến dịch diệt lăng quăng.
Tuy nhiên, dịch sốt xuất huyết vẫn diễn biến phức tạp, số ca mắc vẫn tiếp tục tăng, do năm nay mùa mưa đến sớm đã tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sản và tăng nguy cơ bệnh sốt xuất huyết bùng phát trên cả nước, trong đó có Đồng Nai.
Mặt khác, điều kiện vệ sinh môi trường ở nhiều khu dân cư mới, đặc biệt các khu nhà trọ của công nhân yếu kém. Đối tượng công nhân tại các khu nhà trọ còn nhiều hạn chế về ý thức vệ sinh, phòng chống dịch. Một số địa phương tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng chưa đạt yêu cầu đề ra; sau khi thực hiện chiến dịch thì tỷ lệ hộ gia đình còn các vật dụng chứa lăng quăng còn cao.
Đặng Ngọc