(ĐN)- Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng bão số 16 (bão Tembin), ở quần đảo Trường Sa đang có mưa bão... Ở Huyền Trân và đảo Trường Sa Lớn gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 10
* Đảo Trường sa đón nhiều tàu cá và ngư dân vào tránh bão
[links()](ĐN)- Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 16 (bão Tembin), ở quần đảo Trường Sa đang có mưa bão. Ở Huyền Trân và đảo Trường Sa Lớn gió tiếp tục mạnh lên với sức gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 10.
Đường đi và vị trí cơn bão |
Vào lúc 16 giờ chiều nay 24-12, vị trí tâm bão nằm ở 8,3N-113,1E, cách đảo Trường Sa lớn khoảng 120km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/h), giật cấp 15.
Dự báo, trong 3 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ nhanh 20-25km/h. Chiều tối và đêm nay bão số 16 duy trì sức gió mạnh nhất cấp 12, giật cấp 15 với sóng biển cao 10m sẽ đi qua khu vực đảo Trường Sa Lớn và Huyền Trân. Sóng biển cao 10 mét, ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến cơ sở hạ tầng trên quần đảo. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão ở huyện đảo Trường Sa cấp 4 (rủi ro thiên tai rất lớn).
Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 250km tính từ vùng tâm bão. Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 14 có bán kính khoảng 150km tính từ vùng tâm bão..
* 1/15 nhà giàn DK1 xuống tàu trú tránh bão số 16 an toàn
Lúc 15 giờ chiều 24-12, Thượng tá Nguyễn Thế Dĩnh, Chính trị viên Tiểu đoàn DK1 cho biết, cán bộ chiến sĩ Nhà giàn DK1/10 đóng quân trên bãi cạn Cà Mau, tỉnh Cà Mau đã thực hiện phương án rời nhà giàn, xuống tàu đi tránh bão số 16 an toàn.
"Trước đó, cán bộ chiến sĩ ở 14 nhà giàn khác các cụm: Ba Kè, Tư chính, Quế Đường, Phúc Nguyên, Phúc Tần, Huyền Trân đã tổ chức chằng buộc, định vị các trang thiết bị ở khung nhà mới. Các thiết bị thông tin, ăng ten ở khung nhà cũ được tháo rời xếp gọn. Căn cứ vào mức độ vững chắc của 14 nhà giàn thế hệ mới, chúng tôi hoàn toàn yên tâm mà không cần chuyển xuống tàu đi trú tránh, tuy nhiên vẫn sẵn sàng phương án di chuyển khi có lệnh. Tinh thần cán bộ chiến sĩ rất tốt, xác định tốt nhiệm vụ đối phó với bão tố” - Thượng tá Dĩnh cho hay.
Nhà giàn DK1/10 mịt mù trong sóng gió (ảnh Mai Thắng) |
Cũng theo Thượng tá Dĩnh, Tiểu đoàn DK1 đã tổ chức hai kíp trực cơ động nhanh. Một kíp trực chỉ huy tại bán đảo Long Sơn, một kíp trực chỉ huy tại phường 11 Vũng Tàu để giúp đỡ các gia đình vợ, con cán bộ chiến sĩ hiện đang công tác ngoài nhà giàn.
“Đơn vị đã cử 20 cán bộ chiến sĩ chiều 24 và cả ngày 25 đến gia đình vợ con của cán bộ chiến sĩ nhà giàn đang sinh sống ở Vũng Tàu, Đồng Nai để chằng chống nhà cửa, giúp sơ tán và hỗ trợ khi cần thiết”, Thượng tá Dĩnh nói.
Liên hệ với Trung tá Nguyễn Văn Hiền, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/18, chúng tôi nghe rõ bộ đội đang chuẩn bị dây mồi, phao áo cá nhân, các thiết bị cần thiết sẵn sàng rời nhà khi có lệnh. “Hiện nay gió lớn, mặt biển mịt mù, sóng đánh cao lên qua chiếu nghỉ nhưng chưa to bằng cơn bão số 15. Cơn bão số 15, sóng đánh qua sàn dầu, phủ toàn bộ nhà giàn cũ. Theo dự báo, hai giờ sáng ngày 25-12 bão sẽ về. Chúng tôi đang chằng chống, định vị các thiết bị pin năng lượng mặt trời, chuẩn bị phương án rời nhà khi có lệnh” - Trung tá Hiền, nói
Chị Lương Thị Thu, vợ của Trung tá tá Lê Xuân Nam, chi huy trưởng Nhà giàn DK1/12 cho biết, chị và anh Nam vẫn liên lạc được với nhau qua điện thoại. Ba mẹ con chị khá lo lắng trong căn nhà cấp bốn ở hẻm 1000 đường 30-4. Ba mẹ con chị sẽ sơ tán khi có lệnh..
* Bộ đội đảo Trường sa đón nhiều tàu cá và ngư dân vào tránh bão
Thông tin từ Phòng dân vận Hải quân cho biết trước đó, ở 21 đảo/ 33 điểm đóng quân thuộc quần đảo Trường Sa, mọi công tác đối phó với bão đã hoàn tất. Các đảo nổi cụm Sinh Tồn, Song Tử Tây, Trường Sa lớn đón nhiều tàu cá và ngư dân vào đảo trú tránh bão số 16.
Tàu cá của ngư dân vào neo đậu tại Âu tàu đảo Đá Tây (ảnh Phương Chi) |
Cụ thể, tại Âu tàu đảo Song Tử Tây đã có 21 tàu cá với gần 200 ngư dân các tỉnh Bình Định, Quãng Ngãi vào âu tàu tránh, trú bão an toàn, trong đó quân y của đảo đã băng bó vết thương cho ngư dân Nguyễn Văn Quả bị gãy chân, tay khi đang lao động trên tàu cá.
Tại Âu tàu đảo Đá Tây, đến chiều 24-12 có 27 tàu cá với hơn gần 200 ngư dân các tỉnh Phú Yên, Quảng Ngãi, Khánh Hòa vào trú tránh. Trong khi đó, tại Âu tàu đảo Sinh Tồn hiện có 11 tàu cá của các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và 97 ngư dân vào trú tránh, đảo hỗ trợ 97 suất ăn, khám và cấp thuốc cho 4 ngư dân. Tại Âu tàu đảo Trường Sa Lớn có 3 tàu cá và 27 ngư dân các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa vào trú tránh.
Như vậy, tính đến chiều 24-12, bộ đội Trường Sa ở các đảo đã tổ chức tổ chức đón 62 tàu cá và hơn 500 ngư dân vào trú tránh an toàn.
P.V - Mai Thắng