Thông báo nội dung phiên họp thường kỳ Chính phủ diễn ra trong 2 ngày 31-7 và 1-8, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, phiên họp đánh giá trong 7 tháng qua, tình hình kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nổ ra.
Thông báo nội dung phiên họp thường kỳ Chính phủ diễn ra trong 2 ngày 31-7 và 1-8, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, phiên họp đánh giá trong 7 tháng qua, tình hình kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nổ ra.
Thứ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Nguyễn Ngọc Đông trả lời tại buổi họp báo. |
Theo đó, Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7-2018 giảm 0,09% so với tháng trước sau 3 tháng tăng liên tiếp (tháng 4 tăng 0,08%; tháng 5 tăng 0,55%; tháng 6 tăng 0,61%). CPI bình quân 7 tháng năm 2018 tăng 3,45%, thấp hơn mức tăng 3,91% của cùng kỳ năm trước.
Khu vực nông nghiệp tăng trưởng khá, nổi bật nhất là ngành thủy sản với sản lượng ước tăng khoảng 5,7%. Khu vực công nghiệp tăng trưởng rất tích cực, là động lực tăng trưởng chính. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp IIP tháng 7 tăng mạnh 14,3% so với cùng kỳ, mức tăng cao nhất từ đầu tháng 2-2018 đến nay.
Trong 7 tháng, cán cân thương mại duy trì trạng thái xuất siêu, ước đạt 3,1 tỷ USD, bằng 2,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng ở mức khá; trong đó tổng vốn đăng ký ước đạt gần 23 tỷ USD, tăng 4,6%; giải ngân vốn FDI ước đạt trên 9,8 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ.
Khu vực kinh tế tư nhân cải thiện tích cực: doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 7 tháng đạt 75.793 doanh nghiệp (tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2017). Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 7 tháng là 18.696 doanh nghiệp (tăng 6,5% so với cùng kỳ).
Cùng với các chỉ số kinh tế tăng trưởng tốt, các tổ chức quốc tế cũng ghi nhận nỗ lực cải cách và đánh giá cao triển vọng kinh tế Việt Nam. Trong đó, Ngân hàng phát triển châu Á (ABD) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 ở mức 7,1. Ban Thư ký Liên hợp quốc công bố chỉ số phát triển bền vững năm 2018 (SDG Index 2018) của Việt Nam tăng 11 bậc, xếp hạng 57/156 quốc gia và vùng lãnh thổ (đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN, sau Singapore và Malaysia). Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII Index 2018), Việt Nam tăng 2 bậc, xếp hạng 45/124 quốc gia và vùng lãnh thổ (đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN, sau Singapore, Malaysia và Thái Lan).
Theo đánh giá mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số hiệu quả dịch vụ logistics (LPI) của Việt Nam năm 2018 đã tăng 25 bậc so với năm 2016, xếp hạng 39/160 quốc gia được khảo sát.
“Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn không ít hạn chế yếu kém và khó khăn thách thức, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ cần tập trung giải quyết; thảo luận, bàn kỹ để đưa ra biện pháp, đối sách cụ thể, kịp thời, chủ động” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Trước hết, tình hình bão lũ tiếp tục diễn biến phức tạp gây nhiều tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống nhân dân. Chỉ số CPI mặc dù đã giảm 0,09% sau 3 tháng tăng liên tiếp nhưng sức ép tăng giá tiêu dùng vẫn còn rất lớn, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến khó lường và có nhiều thách thức.
Tình hình sản xuất - kinh doanh vẫn còn khó khăn. Quy định về điều kiện kinh doanh vẫn đang là rào cản lớn đến hoạt động và phát triển của doanh nghiệp. Tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, bán vốn nhà nước còn chậm, nhiều bộ, ngành, địa phương chưa quyết liệt triển khai.
Tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, không vượt quá 4% như nghị quyết của Quốc hội. Vì vậy, thời gian tới Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục bám sát và triển khai các giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP, đồng thời lưu tâm tới một số yếu tố như: bối cảnh kinh tế thế giới, xung đột thương mại giữa các nước, biện pháp bảo hộ thương mại của các đối tác lớn, diễn biến điều chỉnh lãi suất của Mỹ, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ tại các nước, diễn biến giá dầu thế giới.
Thu Anh