Chiều 1-10, kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9-2018, đối với nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế đạt cận trên chỉ tiêu Quốc hội giao là 6,7%, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quyết tâm của Chính phủ sẽ phấn đấu đạt cao hơn chỉ tiêu này.
Chiều 1-10, kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9-2018, đối với nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế đạt cận trên chỉ tiêu Quốc hội giao là 6,7%, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quyết tâm của Chính phủ sẽ phấn đấu đạt cao hơn chỉ tiêu này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2018. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) |
Giao những nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, Thủ tướng chỉ đạo sản xuất nông nghiệp cần chú trọng khâu chế biến, xuất khẩu, xây dựng chuỗi giá trị. Bộ Công thương tiếp tục các dự án lớn có sức lan tỏa. Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch chú trọng phát triển du lịch chất lượng cao, chú trọng chất lượng dịch vụ. Bộ Kế hoạch - đầu tư đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công...
Nhấn mạnh mục tiêu của tái cơ cấu nền kinh tế là hướng đến giảm sự phụ thuộc vào vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Thủ tướng lưu ý cần phải coi trọng hơn sức cầu trong nước. Do đó, cần có chính sách “dưỡng sức dân, dưỡng sức doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển các loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân”. Bên cạnh đó là phát triển năng lực cạnh tranh của các đô thị. Đưa khoa học công nghệ trở thành động lực tăng trưởng mới.
Nhấn mạnh, hoàn thiện thể chế và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh vẫn là cần thiết, Thủ tướng lưu ý có sự “chững lại” của một số cơ quan chức năng trong việc này và chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện các dự án luật để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp sắp tới, khẩn trương cắt giảm các điều kiện
kinh doanh không cần thiết.
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thảo luận về vấn đề độc quyền xuất bản sách giáo khoa. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết sách giáo khoa là mặt hàng thuộc diện quản lý giá của Nhà nước và được trợ giá, có tỷ lệ chiết khấu khi phát hành từ 20-25% thấp hơn mức trung bình so với tỷ lệ chiết khấu các loại sách khác là từ 35-40%. Về vấn đề này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ rõ có tình trạng độc quyền của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và tình trạng này đã được phân tích khi xây dựng Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là phải xóa độc quyền.
Theo TTXVN