Theo Chương trình làm việc, ngày 25-10, Quốc hội tiếp tục nội dung lấy phiếu tín nhiệm và thảo luận 2 dự án Luật: Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và Bảo vệ bí mật nhà nước.
Theo Chương trình làm việc, ngày 25-10, Quốc hội tiếp tục nội dung lấy phiếu tín nhiệm và thảo luận 2 dự án Luật: Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và Bảo vệ bí mật nhà nước.
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Đầu phiên họp sáng, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy trình bày Báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận ở Đoàn về các vấn đề có liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm. Sau đó Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Thời gian còn lại của phiên họp sáng, các đại biểu Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật.
Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) được xem xét tại 3 kỳ họp Quốc hội (đã thảo luận tại Kỳ họp thứ 4, Kỳ họp thứ 5).
[Ngày 25-10, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với 48 chức danh]
Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này gồm 11 chương, 96 điều, trong đó còn một vấn đề lớn, có nhiều ý kiến khác nhau là về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc.
Dự thảo Luật đề xuất hai phương án trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Đầu phiên họp chiều, Ban kiểm phiếu sẽ công bố kết quả kiểm phiếu. Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Sau đó Quốc hội thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Trong thời gian còn lại của phiên làm việc chiều, các đại biểu Quốc hội thảo luận dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.
Trước khi thảo luận, Quốc hội sẽ nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.
Dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 4 và tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, gồm 5 chương, 28 điều với một số nội dung lớn như: về phạm vi bí mật nhà nước (Điều 9); về danh mục bí mật nhà nước (Điều 10); về thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước (Điều 19).
Đáng chú ý, so với dự thảo Luật do Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 4, dự thảo Luật đã được bổ sung quy định về hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước (Điều 18 và Điều 19), trong đó quy định cụ thể về thẩm quyền tổ chức, thành phần tham dự và giao Chính phủ quy định chi tiết các điều kiện về địa điểm tổ chức, phương tiện, thiết bị, các phương án bảo vệ, việc thu hồi tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước sử dụng tại hội nghị, hội thảo, cuộc họp để quản lý chặt chẽ, phòng ngừa và ngăn chặn việc lộ, mất thông tin bí mật nhà nước trong hoạt động này./.
QUỲNH HOA (TTXVN/VIETNAM+)