(ĐN) - Kết thúc năm 2018, lượng hàng hóa (quy đổi) qua Cảng Đồng Nai vượt ngưỡng 10 triệu tấn (bao gồm: 6,1 triệu tấn hàng rời và 640.000TEU hàng container)...
(ĐN) - Kết thúc năm 2018, lượng hàng hóa (quy đổi) qua Cảng Đồng Nai vượt ngưỡng 10 triệu tấn (bao gồm: 6,1 triệu tấn hàng rời và 640.000TEU hàng container).
Cảng Đồng Nai xây dựng cầu cảng Container 5.000 tấn thứ 2 tại Cảng Long Bình Tân. |
Trong đó, riêng hàng container vượt 39% so với kế hoạch (tăng 47% so với cùng kỳ). Doanh thu đạt trên 650 tỷ vượt 20% so với kế hoạch, tăng 24% so với năm 2017; lợi nhuận đạt 120 tỷ đồng, tăng trên 43% so cùng kỳ.
Để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng cao, trong năm 2019, Cảng Đồng Nai sẽ đầu tư xây dựng thêm 2 cầu cảng gồm: Cảng Container 5.000 tấn tại Cảng Long Bình Tân và cầu cảng 3 vạn tấn thứ 2 tại Cảng Gò Dầu B. Điểm đặc biệt là công ty không phải vay tiền để đầu tư mà đã đàm phán thành công và được đối tác lớn là Tập đoàn công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam ( TKV), Công ty cổ phần than miền Nam (Vinacomin) bỏ vốn đầu xây dựng cầu cảng và nguồn vốn đầu tư sẽ được trừ dần vào chi phí sử dụng dịch vụ cảng của những đơn vị này.
Khu vực xây dựng cầu cảng mới |
Trên thực tế, sản lượng Alumin xuất khẩu qua Cảng Đồng Nai từ 160.000 tấn năm 2013 đã tăng lên trên 1,2 triệu tấn năm 2018. Lượng than nhập khẩu phục vụ các nhà máy nhiệt điện sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm sắp tới. Do vậy, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua Cảng Đồng Nai trong những năm sắp tới sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định.
Đây là cơ sở để Cảng Đồng Nai mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô cảng để tăng tốc phát triển trong năm 2019 và những năm kế tiếp. Mục tiêu mà Cảng Đồng Nai đề ra là lọt vào top doanh nghiệp có doanh thu 1.000 tỷ và là một trong 5 cảng biển hàng đầu Việt Nam vào năm 2022.
Tin ảnh: Minh Thanh