Báo Đồng Nai điện tử
En

Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) cần bao quát nhiều vấn đề bức xúc của xã hội hiện nay

09:04, 22/04/2019

Ngày 22-4, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị phản biện về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).

Ngày 22-4, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị phản biện về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).

Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến tại 2 kỳ họp và dự kiến được xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (khai mạc vào tháng 5-2019). Đây là nội dung được các đại biểu Quốc hội và cử tri, nhân dân đặc biệt quan tâm bởi giáo dục là lĩnh vực quan trọng, tác động thiết thân tới toàn xã hội.

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: TH)
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: TH)

Tham gia góp ý, phản biện dự thảo luật, TS.Nguyễn Viết Chức, Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn văn hóa - xã hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng giáo dục đang được cả xã hội quan tâm, nên các vấn đề trong dự thảo luật cần rõ ràng, có tiêu chuẩn của cán bộ quản lý và quyền hạn trách nhiệm của họ; tiêu chuẩn giáo viên. TS.Nguyễn Viết Chức nêu rõ: dự thảo luật cần ghi rõ cán bộ quản lý giáo dục được quyền làm gì? Trách nhiệm đến đâu? Tiêu chuẩn, tiêu chí nào để làm cán bộ quản lý giáo dục?

Quan tâm đến sách giáo khoa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Duy Thường thể hiện sự băn khoăn khi thực hiện nhiều bộ sách giáo khoa rất dễ gây lộn xộn, lúng túng trong lựa chọn. Giáo dục cần được giảm tải, không để nặng về kiến thức hàn lâm như hiện nay.

Đồng thời, nhiều ý kiến cũng đề nghị dự thảo Luật cần làm rõ việc hỗ trợ đóng học phí đối với người học diện phổ cập tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; bao quát nhiều vấn đề đang là nỗi bức xúc hiện nay của xã hội như: thực phẩm bẩn vào trường học, bạo lực học đường với thầy cô và học sinh, gian lận thi cử. Cần có chế tài, xử nghiêm những trường hợp lợi dụng chức vụ quyền hạn để nâng điểm, nâng hạnh kiểm...

P.V

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích