(ĐN)- Ngày 6-5, tại TP.Biên Hòa - tỉnh Đồng Nai, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị Phát triển vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam....
(ĐN)- Ngày 6-5, tại TP.Biên Hòa - Đồng Nai, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) |
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng, năm 2018, tổng GRDP của Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam (gồm 8 tỉnh, thành: TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước, Long An và Tiền Giang) đạt 2.517 ngàn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng hơn 45% GDP cả nước.
Trong đó, GRDP của 4 tỉnh, thành, gồm: TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa- Vũng Tàu chiếm gần 88% GRDP của vùng. Nếu như năm 2016, GRDP bình quân đầu người trong vùng đạt 4.812 USD, thì năm 2018 đã được nâng lên 5.474 USD/người, gấp hơn 2 lần trung bình cả nước.
Vùng KTTĐ phía Nam cũng là nơi có công nghiệp, dịch vụ phát triển nhất cả nước. Trong quý I-2019, vùng tiếp tục là nơi có mức tăng trưởng khá, thu hút đầu tư FDI nhiều so với các vùng khác. Tuy nhiên, Vùng vẫn còn tồn tại một số khó khăn. Tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chậm lại; công nghiệp chưa có những sản phẩm mới có hàm lượng chất xám, kỹ thuật cao. Có 35 sản phẩm chủ yếu của vùng, thì 28 sản phẩm truyền thống, giá trị gia tăng thấp, tỷ lệ gia công còn cao. Vùng còn nhập siêu, doanh nghiệp thành lập mới nhiều nhiều nhưng quy mô vốn đăng ký thấp...
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái cho biết, GRDP bình quân đầu người của tỉnh gần 4.500 USD/người. Đồng Nai dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư FDI, đạt gần 29 tỷ USD, xuất khẩu năm 2018 là 18,6 tỷ USD, xuất siêu 2,6 tỷ USD.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái kiến nghị có chính sách đặc thù cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ảnh: Văn Chính |
Tỉnh Đồng Nai kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, có chính sách đặc thù cho vùng, triển khai nhanh các dự án giao thông trọng điểm như: cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc dầu Giây - Liên Khương, đường vành đai 3, 4; tuyến đường sắt đô thị, hệ thống cảng biển, phân cấp thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đất lúa, cho triển khai các dự án BT...
Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong thì đề xuất, Chính phủ phê duyệt quy chế phối hợp điều hành các vùng, liên vùng để hợp tác phát triển kinh tế, ưu tiên nguồn vốn ngân sách, ODA để xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, phát triển logistics, xây dựng quy hoạch sử dụng đất toàn vùng.
Các đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) |
Đại diện các tỉnh khác trong vùng KTTĐ phía Nam cũng kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến hạ tầng giao thông, chính sách để kết nối vùng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, vùng KTTĐ phía Nam đóng vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế của cả nước, vì vậy trong thời gian tới các tỉnh, thành của vùng phải đưa ra được những giải pháp để tạo bước đột phá. Các địa phương trong vùng có sự liên kết chặt chẽ để cùng phát triển.
Kim Ngân - Hương Giang