Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 34, sáng 10-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và quyết định theo thẩm quyền việc thành lập một số đơn vị hành chính dưới tỉnh thuộc tỉnh Đồng Nai...
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 34, sáng 10-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và quyết định theo thẩm quyền việc thành lập một số đơn vị hành chính dưới tỉnh thuộc tỉnh Đồng Nai, gồm: thị trấn Dầu Giây (thuộc huyện Thống Nhất); thị trấn Nhơn Trạch (thuộc huyện Nhơn Trạch) và 6 phường thuộc TP.Biên Hòa. Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung thảo luận.
Bộ Trưởng Bộ Nội vụ Lê Vinh Tân trình bày Tờ trình. Ảnh: Quochoi.vn |
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã trình bày các tờ trình về việc thành lập thị trấn Dầu Giây thuộc huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai; việc thành lập 6 phường An Hòa, Hiệp Hòa, Hóa An, Phước Tân, Tam Phước, Tân Hạnh thuộc TP.Biên Hòa; việc thành lập thị trấn Hiệp Phước thuộc huyện Nhơn Trạch.
Thẩm tra các đề án thành lập một số đơn vị hành chính đô thị thuộc tỉnh Đồng Nai, thay mặt Ủy ban Pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, theo các đề án của Chính phủ, sau khi tỉnh Đồng Nai thành lập 2 thị trấn và 6 phường thì số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách của các đơn vị hành chính này về cơ bản vẫn được giữ nguyên do được nâng nguyên trạng từ các xã.
Tuy nhiên, cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật việc thành lập 8 đơn vị hành chính đô thị cấp xã sẽ phát sinh mới 8 đơn vị công an phường và thị trấn là các tổ chức công an chính quy. Theo các đề án của Chính phủ, việc này cũng không làm tăng thêm biên chế lực lượng Công an tỉnh Đồng Nai. Về vấn đề này, Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan trình đề án làm rõ hơn về việc bố trí số lượng biên chế cán bộ, chiến sĩ, trụ sở làm việc, cơ sở vật chất... của các tổ chức công an sẽ được thành lập.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: Quochoi.vn |
Ủy ban Pháp luật nhận thấy việc thành lập 2 thị trấn và 6 phường trên cơ sở 8 xã của tỉnh Đồng Nai là bước chuyển quan trọng từ nông thôn lên đô thị, đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao hơn trước. Vì vậy, đề nghị Chính phủ và UBND tỉnh Đồng Nai có kế hoạch cụ thể đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức hiện có của 8 xã để đáp ứng với yêu cầu quản lý của chính quyền ở đô thị.
Tại phiên họp, lãnh đạo Bộ Nội vụ và lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai đã trực tiếp giải trình, báo cáo làm rõ một số nội dung mà các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm.
Trên cơ sở đó, 100% các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt tại phiên họp đã biểu quyết tán thành quyết định thành lập một số đơn vị hành chính dưới tỉnh thuộc tỉnh Đồng Nai.
Quochoi.vn