Báo Đồng Nai điện tử
En

Bão số 3 đã khiến 17 người chết và mất tích

10:08, 04/08/2019

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và phóng viên TTXVN, tính đến 14 giờ ngày 4-8, hoàn lưu bão số 3 đã làm 4 người chết; 13 người mất tích.

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và phóng viên TTXVN tại các địa phương, tính đến 14 giờ ngày 4-8, hoàn lưu bão số 3 đã làm 4 người chết và 13 người mất tích ở Thanh Hóa.

Quốc lộ 15C đoạn qua bản Pá Hộc, xã Nhi Sơn lên trung tâm huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa bị đứt gãy làm đôi, khiến giao thông tê liệt hoàn toàn. (Ảnh: Hoa Mai/TTXVN)
Quốc lộ 15C đoạn qua bản Pá Hộc, xã Nhi Sơn lên trung tâm huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa bị đứt gãy làm đôi, khiến giao thông tê liệt hoàn toàn. (Ảnh: Hoa Mai/TTXVN)

Những người thiệt mạng cụ thể là anh Thao Văn Súa - Trưởng công an xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát; anh Vàng A Lâu ở huyện Mường Lát, Thanh Hóa; bà Trần Thị Tư, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn; cháu Lò Văn Nghị (9 tuổi), trú tại bản Cảnh Lay, xã Phình Giàng, tỉnh Điện Biên);

Chiều 4-8, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai có công văn đề nghị các địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu bão tập trung giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân bị thiệt hại do mưa lũ sớm ổn định cuộc sống và sản xuất.

Tại địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề nhất, ngày 4/8, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã cử thêm 1 đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn đầu, trực tiếp đến tận huyện Quan Sơn, Thanh Hóa.

Đoàn xác định việc đầu tiên là cùng với lực lượng tại địa phương khắc phục và đảm bảo công tác thông tin thông suốt, tiếp cận để cứu trợ và cung cấp lương thực, nước uống, điện sinh hoạt cho nhân dân các bản bị chia cắt, cô lập; khẩn trương tìm kiếm người mất tích; kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, nhất là các công trình đang thi công; triển khai phương án chống ngập úng tại đô thị.

"Hiện nay, lực lượng quân đội đã đưa sẵn các trang thiết bị để khi vào đến vùng bị chia cắt có thể đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo. Phải đảm bảo thông tin liên lạc và tiếp cận được với 17 bản trong đó đang có 7 bản bị chia cắt của huyện Quan Sơn," Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Bộ trưởng lưu ý sau bão, cần tiếp tục rà soát khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để sẵn sàng phương án ứng phó; tổ chức canh gác tại các ngầm tràn, các tuyến đường dễ xảy ra ngập, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, phương tiện khắc phục sự cố các tuyến đường giao thông bị sạt lở.

Các đơn vị chức năng theo dõi chặt chẽ diễn biến hồ Hòa Bình, các hồ đang thi công, lũ trên một số sông, suối; sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hồ đập, đê điều, đặc biệt là các hồ chứa nhỏ, công trình xung yếu, bị sự cố và đang thi công...

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia tiếp tục tăng cường công tác dự báo về diễn biến mưa lũ và có thông tin cảnh báo kịp thời.

Cùng với các đoàn công tác của Trung ương, hiện nay, các địa phương cũng đang tích cực tập trung lực lượng, phương tiện, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác khắc phục hậu quả bão, mưa lũ./.

(Theo TTXVN/Vietnam+)

 

Tin xem nhiều