Ngày 4-11, mở đầu tuần làm việc thứ 3 của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thảo luận cả ngày tại hội trường về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019.
Ngày 4-11, mở đầu tuần làm việc thứ 3 của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thảo luận cả ngày tại hội trường về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết: Năm 2019, tỷ lệ điều tra phá án đạt 78%, cao hơn 8% so với chỉ tiêu Quốc hội giao. Về cơ bản, các vụ án nổi cộm, gây bức xúc dư luận đều được điều tra làm rõ; các vụ xâm hại trẻ em được điều tra, xử lý quyết liệt hơn; tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” đã bị trấn áp mạnh, tạo được chuyển biến tích cực; qua đó đã góp phần làm giảm 1,95% số vụ phạm pháp hình sự so với cùng kỳ năm 2018.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Tô Lâm cũng chỉ rõ: Số vụ phạm pháp hình sự tuy giảm nhưng vẫn xảy ra nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, nhất là các vụ giết người với hành vi gây án dã man, tàn bạo. Các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia hoạt động mạnh…
Báo cáo về công tác điều tra năm 2019, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết: Số vụ tham nhũng được khởi tố, điều tra tăng 3,9% so với năm trước. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã yêu cầu và áp dụng các biện pháp tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản giá trị trên 20 ngàn tỷ đồng. Tỷ lệ thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt tăng 7,4%...
Trình bày báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng, Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết năm 2019, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo cụ thể, quyết liệt, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đơn giản hóa điều kiện kinh doanh; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính. Năm 2019 đã có 30 người đứng đầu đã bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, có 3 người đứng đầu bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng.
Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại hội trường về các báo cáo nêu trên. Về cơ bản, các đại biểu thống nhất với nội dung báo cáo của Chính phủ, các cơ quan tư pháp và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Để tiếp tục góp ý, hoàn thiện nội dung các báo cáo, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2019; phân tích những hạn chế trong quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội; nguyên nhân vi phạm pháp luật và các giải pháp khắc phục; việc chấp hành pháp luật trong công tác xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm trên các lĩnh vực…
Quang cảnh phiên họp ngày 4-11. Ảnh: TTXVN |
Các đại biểu cũng tập trung thảo luận về công tác phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng; công tác kiện toàn tổ chức, đẩy mạnh hoạt động của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng; công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng; những bài học, kinh nghiệm từ các vụ án tham nhũng lớn về quản lý kinh tế, quản lý đất đai và việc xử lý nghiêm những tội phạm tham nhũng...
P.V