Ngày 8-11, Quốc hội bước sang ngày thứ ba, cũng là ngày cuối tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã dự Phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Ngày 8-11, Quốc hội bước sang ngày thứ ba, cũng là ngày cuối tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã dự Phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết thúc Phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: TTXVN |
Trong buổi sáng, Bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã đăng đàn trả lời chất vấn các nội dung liên quan đến công tác quản lý báo chí, quản lý giấy phép trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình, cấp, thu hồi thẻ nhà báo; công tác quản lý thông tin điện tử, nhất là các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, quản lý quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng; về ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng chính phủ điện tử.
Về giải pháp xử lý tin xấu, độc trên mạng xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng tin xấu, độc trên mạng xã hội là câu chuyện toàn cầu, không chỉ riêng Việt Nam mà cả thế giới cũng đang phải đối diện. Yếu tố đầu tiên để ngăn chặn, theo Bộ trưởng chính là hành lang pháp lý.
Liên quan đến vấn đề quy hoạch và quản lý mạng lưới báo chí, phát thanh, truyền hình, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết hiện Thủ tướng Chính phủ đã ký Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 và Bộ đã ban hành kế hoạch thực hiện. Bộ trưởng cũng đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo để thực hiện tốt quy hoạch này.
Trong phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo làm rõ vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ghi nhận ý kiến của cử tri và nhân dân cả nước đã phản ánh tại kỳ họp, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng cảm ơn sự quan tâm giám sát, đánh giá của các vị đại biểu Quốc hội đối với Chính phủ và các thành viên Chính phủ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, nguồn lực phát triển lớn nhất của đất nước không phải là rừng vàng biển bạc, mà chính là tiềm năng con người với gần 100 triệu dân và cả hệ thống chính trị.
Báo cáo làm rõ hơn về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ thường xuyên quan tâm chỉ đạo, thúc đẩy công tác này, nhưng thực tế cho thấy vẫn cần tiếp tục đôn đốc giải quyết hơn nữa; đồng thời cần sự chủ động sáng tạo vào cuộc mạnh mẽ của tất cả các cấp chính quyền của từng cơ quan, đơn vị; các bộ trưởng và chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Thủ tướng cho biết, tỉnh Đồng Nai đã cam kết bàn giao mặt bằng vào đầu năm 2020 để khởi công vào đầu năm 2021 và hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025.
Về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động đổi mới năng lực quản trị của doanh nghiệp nhà nước. Đối với các dự án và doanh nghiệp thua lỗ thất thoát lớn, Chính phủ sẽ tập trung giải quyết bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ; giảm thiểu thiệt hại của Nhà nước và xử lý nghiêm các vi phạm.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ sẽ chỉ đạo tiếp tục rà soát, bãi bỏ và giảm đáng kể danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện thông qua việc bổ sung, sửa đổi Luật Đầu tư; tiếp tục bãi bỏ đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh, bảo đảm những thay đổi này có tác động thiết thực đối với người dân và doanh nghiệp.
Phát biểu bế mạc Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hoan nghênh sự nghiêm túc, cầu thị, trách nhiệm cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ trong việc trả lời chất vấn, thực hiện những nội dung đã cam kết trước Quốc hội và cử tri cả nước. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, các nội dung chất vấn đã được các đại biểu Quốc hội lựa chọn là đúng và trúng, bao quát các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội được nhân dân, cử tri cả nước theo dõi, đánh giá cao. Các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội một mặt thể hiện vai trò, trách nhiệm, quyền giám sát của Quốc hội nhưng mặt khác cũng chính là sự chia sẻ với những khó khăn trong công tác quản lý, điều hành của Chính phủ. Đây cũng là những gợi ý bổ sung giải pháp vào chương trình kế hoạch của Chính phủ, các bộ, ngành để từ đó có những quyết sách phù hợp trong công tác quản lý, điều hành đáp ứng niềm tin, sự mong mỏi của nhân dân và cử tri.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, trên cơ sở chất vấn và trả lời của các thành viên Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu chuẩn bị dự thảo nghị quyết chất vấn để trình Quốc hội xem xét thông qua vào cuối kỳ họp, làm cơ sở pháp lý cho việc giám sát thực hiện, đồng thời giúp cho Chính phủ, bộ, ngành thực hiện tốt hơn nữa chức năng nhiệm vụ của mình nhất là những cam kết của thành viên Chính phủ trước Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành tập trung chỉ đạo, có biện pháp thiết thực để thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội.
P.V