Báo Đồng Nai điện tử
En

Đất nước cần một lớp nông dân đổi mới

11:12, 10/12/2019

Hơn 1 năm kể từ lần đối thoại đầu tiên, sáng 10-12, tại TP.Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc đối thoại lần thứ 2, lắng nghe và giải đáp thắc mắc của người nông dân.

Hơn 1 năm kể từ lần đối thoại đầu tiên, sáng 10-12, tại TP.Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc đối thoại lần thứ 2, lắng nghe và giải đáp thắc mắc của người nông dân. Sự kiện do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, UBND TP.Cần Thơ tổ chức với chủ đề Tháo gỡ vướng mắc, liên kết 6 nhà, kiến tạo chuỗi giá trị nông sản.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với nông dân
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với nông dân

Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần này có sự tham dự của 600 đại biểu, gồm lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương, các địa phương, Hội Nông dân Việt Nam; các chuyên gia, nhà khoa học; các doanh nghiệp đồng hành cùng nhà nông và hơn 300 đại biểu nông dân đến từ các địa phương cả nước - đại diện cho hàng chục triệu hộ nông dân tham gia đối thoại trực tiếp với Thủ tướng.

Theo Ban tổ chức, trước thềm Hội nghị đối thoại lần thứ 2, đã có hơn 2 ngàn câu hỏi được gửi đến Thủ tướng qua nhiều kênh tiếp nhận khác nhau. Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành khoảng 3,5 giờ lắng nghe 19 đại biểu nông dân phát biểu với 53 câu hỏi, trong đó đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cũng đã phát biểu.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ sẽ tiếp thu các nội dung của hội nghị, các ý kiến của người nông dân và giao cho các bộ, ngành liên quan đề xuất các biện pháp giải quyết. Thủ tướng nhấn mạnh, nông nghiệp Việt Nam và khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đều đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về sản phẩm, sản lượng lương thực và không ngừng nâng cao đời sống người nông dân. Từ một nước thiếu ăn, ngày nay Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới, giá trị xuất khẩu nông nghiệp trên 40 tỷ USD với hàng chục mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ, hội nghị lần này đã cho thấy những bất cập trong ngành nông nghiệp, nông thôn cần sớm được khắc phục, tháo gỡ.

Nhấn mạnh đến chủ đề của hội nghị Tháo gỡ vướng mắc, liên kết 6 nhà, kiến tạo chuỗi giá trị nông sản, Thủ tướng đánh giá, câu hỏi của các đại biểu nông dân bày tỏ băn khoăn về cơ chế hỗ trợ, trong đó có việc ứng dụng công nghệ; việc quy hoạch vùng chăn nuôi; phát triển, tìm kiếm thị trường; hỗ trợ ngành chăn nuôi... trong mối liên kết 6 nhà và phát huy hơn nữa vai trò các hiệp hội, ngành nghề. Cùng với đó là cơ chế kiểm soát, quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; vấn đề bảo vệ môi trường, tích tụ ruộng đất; việc khắc phục tình trạng được mùa, rớt giá, thiếu thông tin... Hội nghị khẳng định, khâu chế biến là lối ra cho ngành nông nghiệp. Cùng với đó là phát triển hạ tầng, tăng cường nguồn lực phòng chống thiên tai, quy hoạch chăn nuôi... cũng là những ưu tiên cần tập trung giải quyết.

Trong kết luận hội nghị, Thủ tướng yêu cầu, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn và Hội Nông dân Việt Nam cần có thông tin rõ ràng hơn trên trang website của bộ, ngành về thị trường, về dự báo các khả năng xảy ra. Đặc biệt, thông tin về các cơ chế hỗ trợ; thông tin về vốn, giống, các nguyên liệu đầu vào của ngành nông nghiệp... là những vấn đề bà con rất quan tâm. Đồng thời, thông tin rõ những vấn đề về an toàn thực phẩm, những loại vật tư, hóa chất nào được sử dụng trong sản xuất, chăn nuôi; những cảnh báo dịch bệnh ở nông thôn, vấn đề môi trường; những tiêu chuẩn cần thiết cho sản phẩm xuất khẩu; kế hoạch sản xuất lúa hàng năm... Thủ tướng cũng chỉ đạo các cơ quan liên quan chủ động rà soát, đơn giản hóa các thủ tục vay vốn ở nông thôn; hướng dẫn nông dân phát triển thương mại điện tử để tiêu thụ, dự báo và giải quyết nhiều vấn đề khác trong sản xuất, tiêu thụ; tạo điều kiện cho hoạt động khởi nghiệp trong nông dân.

Thủ tướng yêu cầu sau hội nghị này, các bộ, ngành, địa phương phải có những chuyển biến thực chất, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con sản xuất, kinh doanh có hiệu quả hơn; tăng cường hướng dẫn bà con sản xuất theo chuỗi trong ngành nông nghiệp. Đặc biệt là phát triển mạnh mẽ nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch; tiếp tục theo dõi, xem xét yếu tố đầu vào để giảm giá thành; tăng cường kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp; tăng cường liên kết vùng trong sản xuất...

Thủ tướng đặt vấn đề, đất nước Việt Nam chúng ta cần một lớp nông dân đổi mới. Nông dân Việt Nam cần nâng cao học vấn và kiến thức khoa học và công nghệ, kiến thức thị trường để sản xuất có hiệu quả hơn.

Lâm Viên (tổng hợp)

 

Tin xem nhiều